Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

Trích dẫn truyền cảm hứng

Tell me a fact and I’ll learn. Tell me a truth and I’ll believe. But tell me a story and it will live in my heart forever. (Cho tôi một kiến thức và tôi sẽ học. Cho tôi một sự thật và tôi sẽ tin. Nhưng kể cho tôi một câu chuyện, và nó sẽ ở trong tim tôi mãi mãi).
- Giám đốc Marketing của IBM đã dùng câu ngạn ngữ này làm chữ kí email.
Cách bạn truyền đi thông điệp, cảm hứng của mình nhanh nhất, chính là qua những câu chuyện. Điều đó không chỉ đúng trong marketing, quảng cáo, bán hàng mà còn đúng với mọi phương diện khác trong cuộc sống. 

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

LỜI KHUYÊN CHO NĂM HỌC MỚI - MỘT VÀI MẸO NHỎ CHO GIÁO VIÊN MỚI ĐI DẠY LẦN ĐẦU (Ngọc Hà dịch)

Ảnh: Snowman - Psychology Applied to Teaching (Cám ơn Cấn Nguyễn Hải Yến đã gửi tài liệu này cho tôi)

N.D:
Tôi dịch bài viết này sau khi đọc nó trên một trang web theo tôi là khá hữu ích: Happy Teacher, Happy Kids. Bài viết đặt ra mục đích giản dị là để chia sẻ, cho nên những ai say mê các thứ triết lý, kỹ năng sống và giáo dục đao to búa lớn đầy rẫy ngoài kia sẽ không tìm thấy ở đây thứ bạn cần.

Việc có hứng thú dịch một bài viết như thế này cho tôi chứng kiến ở bản thân mình một sự thay đổi. Trước đây tôi chỉ quan tâm đến các bài viết lý thuyết liên quan đến chuyên ngành tôi theo đuổi hoặc yêu thích ở Đại học, đôi khi là liên quan đến tác giả tôi đang đọc. Giờ đây, khi đã (tạm gọi là) "lăn lộn" trong việc dạy học một cách thật sự (hồi thực tập chỉ là "giả sự" thôi, :P), tôi mới thấy mấy thứ mình cho là tầm phào lại thành ra quan trọng, còn những chuyện trước kia vẫn rất rất cần, nhưng nếu tôi cứ sống không điều độ, không kế hoạch thì lập tức chúng sẽ trở thành chuyện "hoa lá cành" cả.

Trong một tháng qua, tôi đã từng nán lại trường tới tối mịt, từng trở về nhà trong tình trạng cả người lẫn nhà đều bẩn thỉu, từng biết cảm giác cứ chi li với mấy thứ trang trí vặt vãnh thì cái gì cũng sẽ "chị ơi sao em làm hoài, làm hoài mà không xong"... :D. Tất cả những diều đó sẽ được đề cập tới trong bài viết nhỏ này. Thêm một lý do, công việc hiện tại của tôi có khá nhiều điểm tương đồng với lớp học trong bài viết: phải làm chủ nhiệm đối tượng HS nhỏ (tăng động :P), GV chịu trách nhiệm riêng 1 căn phòng, phải trang trí, rồi sống trong đó như ngôi nhà thứ 2, và đặc biệt là sự tương đồng về cường độ làm việc. Thật ra tôi nghĩ làm việc gì cho đến nơi đến chốn thì cường độ cũng đều phải rất là ghê gớm cả - cho nên mấy bạn nghĩ "đi dạy nhàn" thì đừng đọc. :D Nói vui thôi, bạn cứ đọc đi để học cách sắp xếp, không chỉ việc dạy học, mà có khi là nhiều việc khác nữa trong cuộc sống của mình.

Trong bản dịch, tôi bỏ mục 2 và thay đổi lại thứ tự đề mục để phù hợp hơn với đối tượng giáo viên THCS-THPT. Đồng thời, có một (hoặc một vài) chỗ tôi chưa dịch được. Tôi đã bôi đậm để đánh dấu lại. Bài này hoàn thành trong những giờ phút ngắn ngủi nán lại trường học sau mỗi ngày (vậy là không tuân thủ lời khuyên số 1 T_T), cho nên không tránh khỏi mấy chỗ dịch ẩu. Mời các bạn nếu không quan trọng lắm thì đọc chơi, còn nếu yêu tôi thì góp ý cho tôi để bản dịch tốt hơn. ;)

Dài dòng quá. Xin cám ơn! :P :D


1. ĐẶT RA THỜI GIAN NHẤT ĐỊNH ĐỂ RỜI TRƯỜNG HỌC MỖI NGÀY VÀ NHỚ LUÔN LUÔN TUÂN THỦ

Luôn có rất nhiều việc bạn phải làm và điều đó khiến bạn cứ nán lại làm việc ở trường sau khi đã hết giờ. Việc sẽ chẳng chạy đi đâu mất cả. Thiết lập một khoảng riêng tư cho cuộc sống cá nhân sẽ giúp kiểm soát stress và tạo sự thư thái để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

2. CHỦ ĐỘNG ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC DỰ GIỜ CÁC GIÁO VIÊN GIÀU KINH NGHIỆM

Tôi đã học rất nhiều được từ việc quan sát thực tế giảng dạy của các đồng nghiệp cùng khối lớp với mình, nhiều hơn bất kỳ buổi thuyết trình nghiệp vụ nào. Thật may mắn khi được ở trong một đội ngũ dạy học vững mạnh và cởi mở đến như vậy. Những quan sát không vì quy định này đã tạo nên một sự thay đổi khổng lồ trong kỹ năng dạy học của tôi.


3. VÀO CHỦ NHẬT, HÃY LÊN KẾ HOẠCH CHO TẤT CẢ NHỮNG HOẠT ĐỘNG SAU GIỜ LÀM CỦA BẠN TRONG SUỐT 1 TUẦN VÀ VIẾT VÀO SỔ TAY

Hãy thúc giục bản thân sắp xếp và liệt kê những điều kiểu như tập thể thao, mua đồ tạp hóa, chuẩn bị thức ăn, giặt ủi,v.v.. Viết chúng vào sổ tay sẽ giúp bạn tập trung vào làm những việc có khả năng giảm stress và khiến ngày trôi qua êm đềm hơn. Tôi đã có quá nhiều ngày về nhà trong tình trạng kiệt sức, chẳng có quần áo sạch cho sáng hôm sau, ăn đại bất kể thứ gì trong bữa tối. Đơn giản thôi nhưng việc lên kế hoạch cho những điều bình thường, vụn vặt này sẽ trở nên rất hữu ích khi công việc ở trường quá bận rộn. Điều này khiến tôi có ý thức kiểm soát và làm chủ mọi việc. Bạn sẽ vững tâm hơn khi mà công việc ở trường càng lúc càng khiến mình trở nên điên cuồng.

4. CHUẨN BỊ MỘT NGĂN KÉO DỰ TRỮ Ở GÓC LÀM VIỆC CỦA BẠN

Bạn dành quá nhiều thời gian ở lớp và dần dần, nó trở thành ngôi nhà thứ hai của bạn. Hãy luôn có trong tay những thứ thiết yếu, chúng sẽ chăm sóc cho bạn khi có những tình huống không như ý, dù là nhỏ nhất, phát sinh. Đây là vài thứ tôi luôn cất lại cho mình: chỉ nha khoa, dây buộc tóc, kẹo ngậm ho, chất khử mùi, dép lê, bao tay, khăn, tất, bấm móng tay, pin dự phòng, son bóng, phấn trang điểm, thiệp sinh nhật và thiệp cám ơn dự trữ, kẹo gôm và snacks. Tôi cũng luôn dự phòng một cái áo khoác trong lớp để sử dụng vào những ngày thay đổi thời tiết đột ngột.

5. LƯU TRỮ (HỒ SƠ HÓA) TẤT CẢ NHỮNG LẦN LIÊN LẠC VỚI PHỤ HUYNH VÀ BAN GIÁM HIỆU

Phải thành thật thừa nhận rằng tôi vẫn đang phải "đấu vật" với điều này. Nó là một công việc buồn tẻ nhưng thiết yếu. Hãy chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ và luôn để nó đi kèm với giáo án (hoặc sổ kế hoạch) của bạn. Không cần trang trí cầu kỳ. Ghi chú lại ngày mà bạn đã liên hệ với phụ huynh hoặc ban giám hiệu cùng một vài dòng về trọng tâm của buổi nói chuyện. Angela Watson có một món quà đặc biệt cho chúng ta đó là một mẫu sổ mà bạn có thể sử dụng cho việc này (http://www.teacherspayteachers.com/Product/FREE-Parent-Teacher-Communication-Log-Forms-for-Documenting-Phone-Calls-344961)

6. CHUẨN BỊ GIÁO ÁN DỰ PHÒNG CHO NGƯỜI DẠY THAY VÀ SẴN SÀNG ĐỐI PHÓ VỚI MỌI ỐM ĐAU KHÔNG MONG ĐỢI TRONG NĂM HỌC

Điều này sẽ khiến bạn thoải mái hơn trong năm học. Hầu hết các giáo viên mới đều rất dễ đổ bệnh. Tôi đã kết thúc năm đầu đi dạy với tất cả các thể loại bệnh kỳ lạ nhất (nổi bật trong đó là phát ban, đau mắt đỏ, tinh hồng nhiệt (còn có tên là xcalaxin)) và thật chẳng có gì khổ bằng cố gắng soạn giáo án cho người dạy thay trong tình trạng quá mệt mỏi như vậy. Cho nên, sẽ dễ chịu hơn rất nhiều nếu chỉ việc gửi email giáo án mà bạn đã dự phòng cho người dạy thay sau đó ngủ một giấc!

7. TẬP LUYỆN CÁCH DIỄN ĐẠT TÍCH CỰC TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP CĂNG THẲNG VỚI PHỤ HUYNH/NGƯỜI QUẢN LÝ

Chắc chắn sẽ có vài cuộc nói chuyện căng thẳng như vậy diễn ra trong năm đầu bạn dạy học và cả sau này nữa. Hãy giữ bình tĩnh bằng mọi giá để có thể lắng nghe nhiều nhất. Và sau đó hãy thể hiện sự thông cảm với người bạn đang nói chuyện cùng. Tôi thường muốn trả lời hoặc đưa ra phương án ngay lập tức nhưng đều thất bại bởi tôi chẳng biết nói gì khi liên tục bị dồn ép. Những lúc đó, tôi cố gắng hồi đáp bằng một vài câu kiểu như: "Cám ơn chị đã cho tôi biết điều này. Tôi sẽ nghĩ về nó nhiều hơn và phản hồi cho chị sớm". Mẫu câu này cho chúng ta thời gian để kiềm chế và ngẫm nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Bên cạnh đó, tôi đặc biệt muốn bạn download một món quà kỳ diệu nữa từ Aspire to Inspire, Đối phó với phụ huynh khó tính: Kỹ năng nghề nghiệp không mong đợi”(http://www.teacherspayteachers.com/Product/Dealing-with-Difficult-Parents-Unexpected-On-the-Job-Training-566812). Đây là một kho tàng lời khuyên cực kỳ quý báu cho giáo viên! 

8. MỖI TUẦN, HÃY LÀM CÙNG VỚI LỚP ÍT NHẤT MỘT VIỆC CÓ THỂ NHẮC BẠN VỀ LÝ DO NGÀY XƯA BẠN CHỌN NGHỀ GIÁO.

Tôi yêu ca hát và chơi dương cầm, vì thế được dạy học sinh lớp Một hát những bài kiểu như The Rainbow Connection, Inch by Inch hay A You're Adorable khiến tôi vui vẻ và cảm thấy gắn bó với lớp mình hơn. Tôi cũng rất thích được nằm xoài ra sàn nhà để làm các dự án mỹ thuật với học sinh. Chúng tôi đã thực sự hào hứng khi được tô màu trang trí cho một poster hết sức độc đáo về môn Toán của cô Jenny. (chi tiết:http://www.teacherspayteachers.com/Product/End-of-the-year-math-review-large-group-posters-Addition-and-Subtraction-1227878). Chúng tôi cũng tổ chức một nhóm hát theo băng hình với các bài hát trong phim Frozen vào tuần cuối cùng của năm học và mọi thứ diễn ra rất vui nhộn. Trong suốt năm học đó, tôi cũng đã duy trì nỗ lực để thấu hiểu được một vài sở thích của bọn trẻ như Nora Ầm Ĩ (sách), Pinkerton (ban nhạc rock), Pippi tất dài(sách), George & Martha (show truyền hình), hay Cá sấu Lyle (sách). Hãy tìm cách chia sẻ điều bạn thật sự thấy thú vị với lũ trẻ, mọi áp lực sẽ tan biến và bạn trở nên vui vẻ hơn. Luôn có một cách nào đó để lồng ghép những hoạt động như trên vào giờ dạy và bạn sẽ được tiếp thêm năng lượng để vững vàng đi đến cuối năm học.

9. HÃY GHI CHÉP LẠI TẤT CẢ NHỮNG BÌNH LUẬN VUI NHỘN, ĐÁNG YÊU TỪ HỌC SINH NHƯ MỘT KÝ GIẢ

Bạn nghĩ rằng mình sẽ luôn ghi nhớ những khoảnh khắc này nhưng trên thực tế, chúng đang bắt đầu phai mờ đi rất nhanh. Một trong những câu chuyện về học sinh mà tôi thích nhất là chuyện về cô bé rất đặc biệt sau đây. Em trở thành đề tài bàn luận của cả lớp trong suốt ngày nọ vì con chó cưng của em ở nhà vừa sinh con. Chúng tôi nghe em kể tên từng chú chó, nắm bắt các thông tin mà với em là hết sức sống còn, cũng như theo dõi từng chi tiết sinh động về những chú cún nhỏ trong lời kể. Sau đó, mẹ của một số bạn trong lớp đã liên lạc với người kể chuyện bé nhỏ của chúng tôi để nhận nuôi những bạn thú nhỏ này, với mục đích duy nhất là để trân trọng hơn những chú cún con. Không có chúng, không bao giờ có những con chó lớn! Tôi bắt đầu yêu trí tưởng tượng phong phú của cô bé. "Cuốn nhật ký hành trình" của tôi có một số trang dành riêng cho em và mỗi lần nhớ về những năm tháng đó, tôi luôn phải mỉm cười. Đọc lại "cuốn nhật ký hành trình" đó cũng là một sự tiếp sức thật sự khi bạn đang chìm ngập trong công việc và thấy stress vì chuyện dạy học. Sẽ tốt vô cùng nếu luôn có một "người nhắc nhở" bạn về những khoảnh khắc vui tươi của đời sống như vậy ở ngay trên tay để bạn lật giở bất cứ lúc nào.

10. ĐỪNG TỰ KHIẾN MÌNH ĐIÊN ĐẦU LÊN BẰNG VIỆC TRANG TRÍ LỚP QUÁ CẦU KỲ VÀ TỈ MỈ

Học sinh vẫn học tốt và có một năm học tuyệt vời kể cả khi bạn không trang trí lớp vui nhộn. Tôi thích lớp tôi đầy bảy sắc cầu vồng và những chú ong nghệ, nhưng tôi đã phải mất 9 năm trời để tự làm ra từng thứ một trong số những đồ trang trí cầu kỳ đó. Tôi luôn nói vui rằng chủ đề trang trí của lớp tôi trong những năm đầu tiên là “school” followed by “learning” with maybe a dash of “tidiness” (chưa dịch được). Một cách nghiêm túc: Cho dù như vậy thì hãy tiết kiệm tiền đi! Sẽ hiệu quả về mặt kinh tế hơn nếu như bạn thử tìm trong các kho xả hàng giá rẻ, lớp học của các giáo viên vừa nghỉ hưu hay trên các trang web như Craig’s List, Ebay, v.v.. cho những món đồ mà bạn đã phải mày mò làm ra suốt một thời gian dài.

11. ĐỪNG SO SÁNH KHỞI ĐẦU CỦA BẠN VỚI ĐOẠN GIỮA CỦA MỘT AI ĐÓ

Tôi thích câu trích dẫn đó! Tôi biết chúng ta sẽ rất dễ rơi vào so sánh lớp mình với những lớp khác mà mình nhìn thấy trong khuôn viên trường hoặc trên mạng xã hội. Và tôi cũng biết rằng điều đó thường dẫn tới tâm lý mặc cảm về chính mình trong cương vị một giáo viên. Thỉnh thoảng tôi vẫn phải tự đấu tranh với tâm lý đó và chắc hầu hết giáo viên cũng đều phải làm việc này, trong một chừng mực nhất định. Tôi vẫn luôn cố gắng áp dụng trích dẫn trên như một câu thần chú cho riêng mình và hy vọng, bạn cũng sẽ nhắc nhở bản thân mình như vậy, đặc biệt nếu bạn là giáo viên mới.

Xin được chúc bạn may mắn trong năm đầu dạy học! Hãy yêu bản thân và nhớ phải thật vui vẻ với học sinh! 

Hãy thoải mái bình luận hoặc gửi email cho tôi nếu có bất kỳ câu hỏi nào. Tôi rất hân hạnh được giúp bạn tháo gỡ.

Nguồn: http://happyteacherhappykids.com/back-to-school-advice-tips-for-new-teachers/

Mời các bạn theo dõi trang Facebook về dạy học của tôi tại đây: https://www.facebook.com/ngochalsts

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Đọc lại Tô Hoài



Hôm nay là ngày mất nhà văn Tô Hoài. Tôi thức thêm một chút trước khi đi ngủ và đọc lại Cát bụi chân ai.

Việc đọc lại này dĩ nhiên không phải giải thích vì không có gì khó hiểu. Trước mỗi cái chết của nhà văn, thiên hạ vẫn thường xem đó là dịp để đọc lại tác phẩm của nhà văn đó như một cách để tưởng nhớ. Nó khác với sự phản ứng rất ư khó hiểu của những bạn vì quá say mê facebook thành ra suốt ngày kêu gào chống facebook, chống chia sẻ, chống phong trào, dù là phong trào đọc lại một tác giả vừa mất.

Phải đọc một nhà văn, cố để hiểu họ và đã có những kỷ niệm trên một vài trang sách với họ, mới hiểu được cảm xúc trước sự ra đi của họ là điều có thật. Nó đến, nhẹ nhàng và vương vấn, lập tức đưa ta trở lại với những lần đọc sách ấy, và những lần ấy nữa... Giống như một cái duyên, một lần nào đó trong đời mình đã chạm vào.

Lan man ít dòng như vậy để cưỡng lại một số cực đoan ở nơi nào đó...

Cũng chỉ đủ thời gian và sức đọc lại một ít trang đầu cuốn này. Đoạn đó viết về Nguyễn Tuân từ quãng đầu thập kỷ bốn mươi ở Hà Nội đến chiến dịch sông Thao mùa hạ năm 1949. Một Hà Nội mơ màng, trầm ấm với dáng hình không thể lẫn của Nguyễn Tuân - người tài tử, người đói đi; một cuộc sống chiến trận rất khác, bình thường với những chuyện nhỏ nhỏ, những câu nói đơn giản, những cảm nhận bình tĩnh,...

Tôi vẫn nhớ nhiều chuyện không còn nhỏ và đơn giản nữa mà Tô Hoài kể ở những chương sau. Nhưng ông vẫn luôn bình tĩnh. Suốt cuốn sách này, Tô Hoài cứ bình tĩnh như vậy mà kể lại một quãng thời gian hết sức rộng dài. Đó phải chăng chính là điều có được ở những người đã ôm trong lòng những đoạn đời không hề ngắn ngủi, những khối trải nghiệm nào đó. Tôi rất sợ những người như vậy.

Chỗ mà tôi dùng bút chì đánh dấu vào sách trong mấy trang đọc lại này là chỗ Nguyễn Tuân liên tục nói: "Những cái ấy phải viết, viết", "Phải viết, cái này phải viết thôi"... Viết, có lúc và có nơi vẫn bị hiểu cực đoan. Hoặc là một thứ lập ngôn có trọng trách cực to lớn. Hoặc là một thứ phù phiếm, tự do tới mức viết gì cũng được. Nằm ngoài những cách nghĩ ấy là viết vì cần phải viết, thế thôi. Viết là ghi để nhớ, để khỏi trôi tuột đi. Chẳng cứ nhà văn. Ai cũng nên chăm viết, dù để ghi lại những thứ nhỏ nhỏ thôi cũng cần. Tôi nhớ chỗ này trong sách chủ yếu là để nhắc mình. Có những lúc tôi say mê viết ra những thứ, hic, nói thế nào nhỉ, mà cũng chả cần nhắc lại làm gì quãng viết ngây ngô đó. Có những khi tôi lại chịu không thể viết được gì. Đó là khi tôi cảm thấy khó khăn do vẫn chưa quen im lặng. Tôi bắt tôi cứ viết, tôi lại xóa đi, im lặng, rồi lại viết. Vì tôi chưa hiểu rằng, thật ra mình phải thấy Cần thì mới viết được. Và tại sao lại cần viết là một bài học khác, khó khăn hơn nữa. Ôi tôi lại lan man. :)

Cũng vì Tô Hoài bình tĩnh quá nên nhiều chỗ nghe như chê mà là khen và ngược lại, hoặc chả phải chê cũng chả phải khen. Tôi cũng đánh dấu lại. Chả hạn, kỳ thực cái danh xưng "diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam" của Nguyễn Tuân hay chuyện Nguyễn Tuân viết về Móng Cái nó không lung linh như mình tưởng, mà bình thường, thậm chí khôi hài, có thể gây thất vọng. ;)

Với cả tôi chả biết mắt bị "viền vải tây" hay "viền vải tây điều" là gì nên tôi cũng đánh dấu lại.

Hẹn hôm sau tôi đọc tiếp, viết tiếp về cuốn này.

Sắp tới tôi định sẽ đọc Chiều chiều, còn viết thì sẽ viết một chút về Việc làng. Những dự định này là nhân dịp tôi đang bổ túc kiến thức về các tác giả Việt Nam, sau một thời chạy loanh quanh đọc hết Đông sang Tây mà chả biết mình thích gì, thậm chí lao vào đọc mấy ông xa lắc hoặc mới tinh mới toe trong khi chuyên ngành của tôi ở Đại học là Văn học Việt Nam hiện đại. Vả tôi thấy mảng này cũng khá quan trọng, nhất là với giáo viên Văn như mình. Cần gì cứ phải Kafka mới sang!

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Lời chào



Tôi là một giáo viên Ngữ Văn. Blog Sổ Văn 2014 được tạo ra để phục vụ cho công việc của tôi.

Tôi lập blog này trong những ngày chuyển tiếp khá đặc biệt. Tôi vừa kết thúc bốn năm Đại học và xin được công việc mới tại trường Đinh Thiện Lý. Vừa háo hức, vừa lo âu, những ngày này tôi cảm thấy có rất nhiều việc phải làm nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.

Ở đây, tôi định trước hết sẽ đăng các bài điểm sách và dịch thuật của mình. Ngoài ra, tôi sẽ tải lên đây những bài viết, tài liệu cần thiết cho học sinh của tôi.

Tạm thời thế đã. :D