Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014
Đọc lại Tô Hoài
Hôm nay là ngày mất nhà văn Tô Hoài. Tôi thức thêm một chút trước khi đi ngủ và đọc lại Cát bụi chân ai.
Việc đọc lại này dĩ nhiên không phải giải thích vì không có gì khó hiểu. Trước mỗi cái chết của nhà văn, thiên hạ vẫn thường xem đó là dịp để đọc lại tác phẩm của nhà văn đó như một cách để tưởng nhớ. Nó khác với sự phản ứng rất ư khó hiểu của những bạn vì quá say mê facebook thành ra suốt ngày kêu gào chống facebook, chống chia sẻ, chống phong trào, dù là phong trào đọc lại một tác giả vừa mất.
Phải đọc một nhà văn, cố để hiểu họ và đã có những kỷ niệm trên một vài trang sách với họ, mới hiểu được cảm xúc trước sự ra đi của họ là điều có thật. Nó đến, nhẹ nhàng và vương vấn, lập tức đưa ta trở lại với những lần đọc sách ấy, và những lần ấy nữa... Giống như một cái duyên, một lần nào đó trong đời mình đã chạm vào.
Lan man ít dòng như vậy để cưỡng lại một số cực đoan ở nơi nào đó...
Cũng chỉ đủ thời gian và sức đọc lại một ít trang đầu cuốn này. Đoạn đó viết về Nguyễn Tuân từ quãng đầu thập kỷ bốn mươi ở Hà Nội đến chiến dịch sông Thao mùa hạ năm 1949. Một Hà Nội mơ màng, trầm ấm với dáng hình không thể lẫn của Nguyễn Tuân - người tài tử, người đói đi; một cuộc sống chiến trận rất khác, bình thường với những chuyện nhỏ nhỏ, những câu nói đơn giản, những cảm nhận bình tĩnh,...
Tôi vẫn nhớ nhiều chuyện không còn nhỏ và đơn giản nữa mà Tô Hoài kể ở những chương sau. Nhưng ông vẫn luôn bình tĩnh. Suốt cuốn sách này, Tô Hoài cứ bình tĩnh như vậy mà kể lại một quãng thời gian hết sức rộng dài. Đó phải chăng chính là điều có được ở những người đã ôm trong lòng những đoạn đời không hề ngắn ngủi, những khối trải nghiệm nào đó. Tôi rất sợ những người như vậy.
Chỗ mà tôi dùng bút chì đánh dấu vào sách trong mấy trang đọc lại này là chỗ Nguyễn Tuân liên tục nói: "Những cái ấy phải viết, viết", "Phải viết, cái này phải viết thôi"... Viết, có lúc và có nơi vẫn bị hiểu cực đoan. Hoặc là một thứ lập ngôn có trọng trách cực to lớn. Hoặc là một thứ phù phiếm, tự do tới mức viết gì cũng được. Nằm ngoài những cách nghĩ ấy là viết vì cần phải viết, thế thôi. Viết là ghi để nhớ, để khỏi trôi tuột đi. Chẳng cứ nhà văn. Ai cũng nên chăm viết, dù để ghi lại những thứ nhỏ nhỏ thôi cũng cần. Tôi nhớ chỗ này trong sách chủ yếu là để nhắc mình. Có những lúc tôi say mê viết ra những thứ, hic, nói thế nào nhỉ, mà cũng chả cần nhắc lại làm gì quãng viết ngây ngô đó. Có những khi tôi lại chịu không thể viết được gì. Đó là khi tôi cảm thấy khó khăn do vẫn chưa quen im lặng. Tôi bắt tôi cứ viết, tôi lại xóa đi, im lặng, rồi lại viết. Vì tôi chưa hiểu rằng, thật ra mình phải thấy Cần thì mới viết được. Và tại sao lại cần viết là một bài học khác, khó khăn hơn nữa. Ôi tôi lại lan man. :)
Cũng vì Tô Hoài bình tĩnh quá nên nhiều chỗ nghe như chê mà là khen và ngược lại, hoặc chả phải chê cũng chả phải khen. Tôi cũng đánh dấu lại. Chả hạn, kỳ thực cái danh xưng "diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam" của Nguyễn Tuân hay chuyện Nguyễn Tuân viết về Móng Cái nó không lung linh như mình tưởng, mà bình thường, thậm chí khôi hài, có thể gây thất vọng. ;)
Với cả tôi chả biết mắt bị "viền vải tây" hay "viền vải tây điều" là gì nên tôi cũng đánh dấu lại.
Hẹn hôm sau tôi đọc tiếp, viết tiếp về cuốn này.
Sắp tới tôi định sẽ đọc Chiều chiều, còn viết thì sẽ viết một chút về Việc làng. Những dự định này là nhân dịp tôi đang bổ túc kiến thức về các tác giả Việt Nam, sau một thời chạy loanh quanh đọc hết Đông sang Tây mà chả biết mình thích gì, thậm chí lao vào đọc mấy ông xa lắc hoặc mới tinh mới toe trong khi chuyên ngành của tôi ở Đại học là Văn học Việt Nam hiện đại. Vả tôi thấy mảng này cũng khá quan trọng, nhất là với giáo viên Văn như mình. Cần gì cứ phải Kafka mới sang!