Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Every Child Needs A Champion

Đi dạy và đi buôn

Tớ nhớ hồi xưa còn bé, tớ hay buộc một cái dây thật dài từ cửa sổ này sang cửa sổ kia của cái nhà, xong treo đầy sách báo lên đó, làm "cô hàng bán sách" "lim dim" chờ khách tới. Bố mẹ tớ làm bưu điện nên hồi đó thứ nhà tớ có nhiều nhất là báo (cũng tự hỏi sao mình không mê nghề báo luôn đi cho tiện). Tớ cũng chịu ảnh hưởng của cái dây treo báo trên phòng giao dịch cơ quan bố mẹ nên mới thích trò này. Hôm khác, tớ lại bày sách ra giường rồi xếp thành từng khu vực khác nhau, bán theo kiểu sạp sách. Bố mẹ thấy vậy chê tớ bị dấm dớ, còn khách hàng thì dĩ nhiên là chả có ma nào.

Tớ chuyển sang mê bán thịt, bán rau. Tại vì mỗi lần ra chợ cùng mẹ, tớ rất thích được quan sát các cô bán thịt, bán rau ở đó. Tớ tự chế ra những miếng thịt béo núc để bán bằng cách lấy vỏ bưởi đã gọt rời khỏi quả, coi phần trắng là nạc còn phần xanh mỏng hơn là mỡ, hì hục ngồi thái rồi tự bán, tự mua. Có mấy lần tớ mạnh dạn xông thẳng ra chợ với hàng hóa là những bó rau hái ở vườn nhà. Trong đó có một hôm tớ với mấy đứa con nít được rủ theo cùng bị khách chửi banh vì mải cãi nhau “cái rau này gọi là rau mùng tơi hay rau ngót”, “nên bán hai trăm một bó hay là năm trăm”. Rồi cũng có lúc tớ lại khiến họ thương và buồn cười, vì mang một rổ hoa giấy nhặt được bên đường ra chợ bán. Hồn nhiên dữ dội như vậy đó! :)

Có mấy trò khác tớ cũng yêu thích, mà bớt dại hơn. Trong đó có dạy học. Bố mua cho tớ một cái bảng đen rõ to, tớ đem nó ra làm "đạo cụ" để tổ chức lớp học cho bọn trẻ con trong khu tập thể. Chẳng nhớ hồi đó tớ "dạy" gì, chỉ nhớ hễ học được gì trên lớp là tớ lại mang về nhà, xuyên tạc thành bài dạy. Có lần tớ “dạy” cả tiếng Anh. Cô giáo cũng cần xinh đẹp và ra dáng, thế nên tớ lấy cái mũ len có đuôi dài, đội lên đầu rồi cột túm cái đuôi lại để bắt chước mái tóc đuôi ngựa của cô Hà lớp Một Xê. Để dọa học sinh thì tớ có cây thước dài của bố. Mọi việc diễn ra rất suôn sẻ, nhiều cảm hứng.

Rồi tớ nhận ra mình thích mấy thứ kiểu vậy. Tớ được chủ động bày vẽ ra mọi thứ, tớ vừa được chăm sóc vừa được điều khiển người khác. Còn những thứ tớ làm việc cùng thì luôn rất là xinh xắn, đáng yêu. Một mớ rau xanh rì, một cục thịt núng nính, bao nhiêu sách báo thơm mùi giấy và một lũ trẻ con loi choi lóc chóc.

Lớn lên tớ đi dạy, đúng như mơ ước thời bé. Khi tớ nói rằng hồi bé tớ thích làm cô giáo lắm đấy, tụi bạn bảo: "Hồi bé ai mà chẳng thích làm cô giáo". Tớ im lặng rồi nghĩ rằng mình hóa ra chẳng phải là giỏi giang khi giữ được ước mơ hồi bé. Chỉ là mình chẳng chịu lớn lên, tính toán một chút thôi.

Tớ cũng bán hàng nữa. Tớ bày ra một hiệu sách trên mạng, chăm chút cho nơi đó trở nên nhộn nhịp, vui vẻ, xinh xắn. Nhưng vì chẳng kiếm đâu ra sách và thời giờ, nên tớ chỉ chơi cho vui vậy rồi thôi. Lâu lâu quay lại cái fanpage, tớ thấy nó vẫn tuyệt đẹp như vậy, chỉ có điều vắng teo. Tớ cảm thấy nuối tiếc rồi nhận ra, tớ cũng yêu công việc ấy lắm. Bỏ công ra, chăm chút cho một cái gì đó, chăm sóc cho một vài ai đó.

Bây giờ thì nhiều người chọn đi buôn hơn đi dạy, nhưng trong số đó ít người dồn vào việc buôn bán một cái gì đó. Nên tớ thường rất ghen tị với những người như Bánh Ngọt, chị Nhàn. Họ bán hàng giống như là đang đi thực hiện một ước mơ nào đó vậy. Cái ước mơ ấy nhỏ, xinh và hiền lắm. Là được tỉ mẩn cả ngày với những thứ mình yêu, gửi những tình yêu ấy đến những người mình không quen biết, tự tạo ra mọi thứ quây quanh cái thế giới riêng tư của mình, không cần đi theo sự chỉ đạo của ai, triết lý đao to búa lớn của ai...

Điều duy nhất tớ muốn nói là, đi dạy và đi buôn giống nhau nhiều lắm, và chả bên nào thanh cao hơn bên nào. Cả hai đều chứa đựng cực kỳ nhiều niềm vui, giữ hộ mình rất nhiều mơ ước. Chỉ riêng cái cách bạn cư xử với công việc của bạn, rồi quyết định biến nó thành cái giống gì thì mới khác nhau thôi.

Vậy đó. :)

À, nếu tụi tớ lấy nhau, tớ và K. í, thì tụi tớ đã tính sẵn khi về già sẽ làm gì rồi. Mở sạp sách và lớp học miễn phí. Nếu tụi mình đọc lại những dòng này vào thời điểm đó, thì bạn nhớ ghé nhà tớ để xem có đúng vậy không nha?

Mình đã thử (2)

Mình đã thử nghĩ cách để giảm bớt những kiệt quệ về sức khỏe và những lo phiền, sao cho không phải cắt đi một phần công việc mà vẫn xoay sở được, thở được, sống vui hơn.
Có rất nhiều vấn đề. Mình chỉ nói một số thôi.
Đầu tiên là chuyện ăn cơm. Mình quyết định tự nấu dù mất thời gian vì ăn ngoài mình không hợp, hay đau bụng. Ở một mình thì nên ăn rất đơn giản. Nhiều khi mình tham lam, muốn bữa ăn có đủ nhóm chất này nhóm chất nọ. Dần dần mình chỉ nấu một món có đạm và một món có chất xơ. Canh có thể không cần vì ngày nào mình cũng uống nhiều sữa và nước. Khi ăn uống như vậy, mình thấy chuẩn bị mau hơn, dọn cũng mau hơn. Tính mình hay tự bày ra những chuyện mà mình không có khả năng dọn dẹp. Để tránh điều đó thì nên bày ra ít nhất có thể.
Nhiều người nghĩ đến ăn uống thấy mệt mỏi, thấy ăn như là nghĩa vụ, ăn chỉ cốt cho qua ngày đoạn tháng. Mình dù nấu ngon tới mấy, cũng có lúc ngao ngán trước mâm cơm. Những khi đó mình ráng ăn ít nhất một bát. Sau đó, nếu không ăn được tiếp nữa thì ngừng. Bao giờ có cảm giác đói thì lại ăn. Rồi uống thêm sữa. Ăn là thứ không nên cưỡng ép.
Vì biết làm gọn mọi thứ lại, nên mình có thể nấu cơm trưa mang đi mỗi ngày mà không có cảm giác nhiêu khê, mệt mỏi. Ăn đồ mình nấu hấp thu tốt hơn, lại tiết kiệm.
Thứ hai là chuyện buổi tối ở nhà.
Cả ngày đi làm, một buổi tối dường như là quá ngắn ngủi để nghỉ ngơi, chứ nói gì tới soạn bài cho ngày mai. Mình đã từng bị đuối sức vì điều đó, và rơi vào những cơn hoảng loạn kéo dài mà mình không muốn nhắc lại. Sử dụng buổi tối ngắn ngủi như thế nào thật sự là một vấn đề.
Gần đây, mình thấy ổn vì mình đã thử thay đổi. Về tới nhà, việc đầu tiên không phải là nhìn quang cảnh bừa bộn, ngán ngẩm một lúc rồi lui cui đi dọn. Muốn thế, ngày hôm trước và buổi sáng hôm đó mình phải dọn dẹp thật sạch sẽ. Khi mở cửa nhà ra, mình sẽ thấy sàn nhà sạch bóng. Lúc này, mình thay đồ thật thoải mái rồi lấy trái cây trong tủ lạnh ra ăn, vừa ăn vừa thả lỏng. Sẽ thấy khỏe lên ngay tức thì. Sau đó, mình cứ từ từ làm từng việc một. Khi đã xong xuôi, nghĩa là no cơm ấm cật, sạch sẽ từ trên xuống dưới, trong ra ngoài rồi, nhìn đồng hồ sẽ thấy nhằm vào khoảng 8 rưỡi, 9h. Đấy là trong trường hợp mình về tới nhà khoảng 7h (mình hay cố ở lại trường làm cho xong việc). Còn nếu về sớm hơn thì càng tốt. 
Như vậy là ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp tất tần tật mất hơn một tiếng rưỡi. Vì sao mình không thấy mệt trong suốt quãng thời gian đó? Vì mình cố làm theo một vài nguyên tắc sau:
1) Tắt hoàn toàn mạng và nếu có thể thì tắt cả chuông điện thoại. Gần đây mình hầu như không dòm ngó fb nữa, thấy mình sống khác hẳn. 
2) Không nhìn đồng hồ lúc làm việc nhà. Làm xong hết rồi xem một lượt, sẽ bất ngờ lắm đó, vì thấy còn sớm quá. 
3) Xem việc nhà như những thú vui để thư giãn, giải trí. 
4) Tuyệt đối không nghĩ về việc ở trường trong lúc nấu ăn, tắm hay rửa bát. Chỉ tập trung vào cái đang làm. 
5) Bước đi trong nhà thật chậm. Cái này đơn giản mà cực hữu hiệu. Đi chậm như thể không có gì phải lo, không đi đâu mà vội. Bước để thả lỏng người, tại vì đây là nhà của mình nên mình phải được an toàn và ung dung. Khi vừa ăn xong mà đi chậm thì còn tránh được đau dạ dày. Mỗi lần bước thấy mình nhẹ nhõm, thư thái hơn hẳn. 
6) Vừa làm vừa thở. Thở nhẹ, đầu rỗng không và theo dõi nhịp thở. Sẽ thấy bên trong quang đãng như một buổi sáng. 
Mình kiên trì như vậy. Trước khi đi ngủ mình làm đẹp sơ sơ. Bôi kem các thứ mà hôm nào lười thì chỉ bôi nghệ lên mấy cái mụn. Xong mình uống sữa ấm, tối nào cũng uống đều. Từ 9h đến 10 rưỡi là thời gian mình làm việc. Mình sẽ cố gắng nằm xuống giường (mà thật ra đâu có giường đâu) lúc 10 rưỡi, đọc sách hoặc học tiếng Anh hoặc nghe truyện audio sao cho nhắm mắt ngủ trước 11 rưỡi. Như vậy cũng hơi muộn rồi nhưng mà vẫn trước 12h nên cũng đỡ.
Sáng dậy, mình uống một cốc nước lọc, vệ sinh cá nhân rồi nấu ăn. Mình pha thêm một chai sữa rồi mang sữa với đồ ăn sáng tới trường.
Vậy thôi.
Sắp tới giờ đi ngủ của mình rồi. Mình chỉ muốn nói là lúc ở nhà mình làm gì cũng được mà không làm gì cũng được, nhưng nhớ đặt từng hơi thở chậm rãi và nhẹ nhõm vào việc đó. Bước đi thôi cũng phải bước cho nhàn nhã, toàn tâm. Mình sẽ thấy thời gian và sức lực được tiết kiệm rất nhiều. 
Mình không theo học thuyết nào cả. Tự mình thấy như vậy thôi.
Mai mốt có gì hay mình sẽ lên đây kể nữa.
G9.

Mình đã thử

Có nhiều thứ mình nghe đến nhàm tai rồi, nhưng chỉ khi làm thử, mình mới tin. Mình cực bướng. Đó là điểm yếu. Nó ngăn cản mình tiến bộ trong rất nhiều trường hợp. Bướng và định kiến là rất nguy hiểm.
Hôm tựu trường, mình với HS có làm trắc nghiệm Kokology về ngôi nhà kẹo. Có 1 đáp án là khi gặp nhà kẹo thì nên thử hết tất cả các loại kẹo, nó ứng với người luôn tìm được khía cạnh tích cực của các đối tượng khác nhau trong cuộc sống. Thật như thế. Nên thử qua nhiều cách làm rồi đúc rút thông minh, chứ không nên định kiến và từ chối ngay từ đầu.
Quanh co một hồi, thứ mình muốn nói là gì? Đó là mình đã thử và thấy những điều sau thật sự giúp ích dù ban đầu mình không tin:
1) Soạn giáo án Word trước PowerPoint.
Nó sẽ giúp hình dung rõ các hoạt động dạy học và paste qua PowerPoint sẽ cực nhanh. Nếu làm PowerPoint trước thì sẽ bị vướng vào mấy việc tìm hình, chỉnh hiệu ứng các kiểu cực kì phiền.
2) Ghi nhật ký sau mỗi buổi học.
Đầu óc sẽ phản bội mình và khiến mình quên béng mọi vấn đề, tự dối mình là không có vấn đề gì cả. Việc dạy học sẽ đều đều và chỉ như để qua ngày. Đó là những vấn đề của người không ghi nhật ký, không biết nhìn lại bản thân. Nghĩ thôi chưa đủ, cần thiết ghi lại rõ ràng với ngày tháng cụ thể những vấn đề tốt và chưa tốt của tiết học/ngày học. Mình sẽ cảm thấy ngay ngày mai thôi mọi thứ đang bắt đầu khác đi.
Mình có thiết kế một mẫu nhật ký cho riêng mình và cảm thấy hiệu quả. Cuốn nhật ký sẽ tập trung vào học sinh thay vì vào giáo viên. Thay vì ghi là hôm nay mình làm tốt..., hôm nay mình làm chưa tốt... thì sẽ ghi là hôm nay học sinh vui vì... và hôm nay học sinh chưa vui vì... Mình sẽ ghi giải pháp ngay dưới đó, và điều này là bắt buộc.
3) Kết nối với học sinh
Mình đã từng muốn giữ cuộc sống riêng tư và cố giấu mình đi trên facebook. Mình sẽ luôn có một đời sống khác, tách biệt với lớp học. Nhưng dần dần, mình thấy kết bạn trên mạng XH hay không khoing quan trọng bằng việc trong lòng, mình có thật sự muốn hiểu học sinh không.
Không hiểu HS, hậu quả là GV sẽ quy HS vào những nhóm tính cách ngớ ngẩn mà ở đó, HS giống nhau y chang và GV thì xử lý cứng nhắc theo công thức. Không hiểu HS thì dạy HS kiến thức hay làm người đều không hiệu quả và tốn thời gian hơn. Cô giáo dạy may của mình hiểu kĩ chất liệu vải, cô có cách kéo căng, buông lỏng vải khi chạy máy, cách trải vải, uốn viền riêng cho từng loại chất liệu đó. Mình nghĩ đi dạy cũng không khác gì. Hiểu đối tượng thì mình sẽ làm việc nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.
Năm nay mình đã tìm mọi cách để kết nối với HS. Từ những ngày đầu. Kết nối càng nhiều thì lượng thông tin mình có càng nhiều. Mình sẽ hiểu các con và rồi thương các con hơn.
4) Yêu học sinh
Nhiều GV luôn có câu cửa miệng: yêu con, thương con. Nhưng mấy ai thật sự như vậy.
Trong công việc của mình, mình nghĩ, nếu không yêu trò thì làm cách gì cũng không làm nổi. Yêu, nghĩa là lo lắng cho học sinh từ chuyện ăn uống đến học hành cho chu đáo, vì mình chịu trách nhiệm với toàn bộ tác phong của các con khi ở trường. Yêu, nghĩa là không chỉ có mặt đủ trong các hoạt động bắt buộc GV chủ nhiệm tham gia rồi cuối tháng lãnh lương cười hề hề, mà là cố gắng hết sức để không có trường hợp HS nào gặp khó khăn hay bị bỏ rơi trong bất cứ chuyện gì. Yêu, không phải là lên fb nói, mà là nghĩ về HS một cách nghiêm túc và nghiêm khắc. Điều gì mình thật sự không mong HS có thì uốn nắn các em ngay. Mình muốn HS trở thành con người như thế nào và mình sẽ làm gì, hết sức quan tâm ra sao. Đó mới là yêu.
Không yêu HS tới nỗi cuộc sống của nó đi vào cuộc sống của mình sâu sắc thì không đi dạy được. Nhưng bỉ ổi nhất không phải là không yêu HS, mà là dùng tình yêu thương HS như một luận điệu để lấy lòng HS và đánh bóng tên tuổi mình.

Happy Teacher

Trước đây mình không tin có "happy teacher". Thầy cô giáo phải gắn với hình ảnh căng thẳng, hay trăn trở, giỏi chịu đựng, bận tối mắt tối mũi. Nhiều người cũng hay tỏ ra bận bịu để trông có vẻ như mẫn cán và là giáo viên giỏi.

Thật ra không phải vậy. Giáo viên phải hạnh phúc.

Vào #happyteacher trên Instagram, thấy giáo viên trên thế giới họ hạnh phúc biết bao. Họ hạnh phúc được là chính họ, vẫn hưởng thụ bình thường, mặc bikini không có gì phải giấu giếm, che đậy như giáo viên bên mình. Họ hạnh phúc vì làm được cái này cái kia cho trò, họ khoe thoải mái, chứ không giả vờ khiêm cung, giấu biệt đi như bên mình.

Gần đây mình thấy lòng nhiều hạnh phúc hơn. Hằng ngày mình đi theo một nhịp độ sống đều đặn, bình tĩnh, chủ động. Mình chăm sóc cơ thể cẩn thận hơn rất nhiều và quan trọng nhất là đã có thể nấu ăn mang đi hằng ngày. Và dĩ nhiên, mình làm việc nhiều hơn, hiệu quả hơn. Trong mắt mình, từ dáng điệu mình, có thể đã toát ra một cái gì đó mới hơn xưa. Và không bao giờ phải ngần ngại, xấu hổ vì ta sống thoải mái, tung tăng. Vì học trò sẽ đọc được hạnh phúc trong mắt thầy cô. Chúng cũng sẽ được lây lan hạnh phúc.

Mỗi tiết dạy, với nhiều nhiệt tình và hạnh phúc như vậy, mình cảm thấy hài lòng hơn. Nhìn gương mặt của học sinh, mình có thể đoán được chúng cảm thấy ra sao. Ít ra, mình không gặp những khuôn mặt ưu tư, ái ngại như xưa nữa. Vì chính cô giáo ngày ấy nay đã không còn quá ưu tư, ái ngại, lấn cấn, nghĩ ngợi. Và hạnh phúc cứ lan tỏa khắp nơi.

Vào những lần mình thức suốt đêm chỉ để nghĩ về học trò, anh Khuê đã bảo với mình: "Em phải đi ngủ đi. Em phải thương em. Em hạnh phúc thì học trò cũng sẽ hạnh phúc. Học trò em không thể vui tươi khỏe mạnh khi mà em cứ sống như vậy. Chúng nó nhìn vào mắt em để sống. Đừng suy nghĩ nữa." Hồi đó mình không tin như vậy. Nhưng giờ mình đã thấy kết quả.

Mình muốn đem nhiều hạnh phúc hơn nữa cho học trò. Dĩ nhiên mình sẽ vẫn có thể thất bại như trước, hoặc nhiều hơn trước. Nhưng mình không bao giờ bỏ rơi học trò của mình trong nỗi hoang mang, bối rối như xưa đâu.



Giáo viên cũng là người

Mình xem đó là câu trả lời kinh điển mà người giáo viên có thể dùng để đáp lại tất cả những câu nói dạng: "Giáo viên phải thế này, thế nọ...".
Mình nghĩ rằng giáo viên cũng có những nhu cầu như người bình thường, được quyền phạm sai lầm. Dạy học cũng như đi làm công sở, tối về phải được nghỉ ngơi. Lấy mất thì giờ nhàn rỗi của người lao động là không thể nào bào chữa được.
Và còn nhiều nhiều khía cạnh khác có thể nêu ra để kêu gọi rằng: giáo viên cũng là người.
Nhưng đó là suy nghĩ của mình NGÀY TRƯỚC.
Mình nhận ra:
- Cái gì cũng có giá của nó. Bỏ ra cái gì thì nhận lại điều tương tự. Cứ thử vài lần sẽ thấy điều này tuyệt đối đúng luôn. Vậy nên mình muốn nghỉ ngơi cũng được thôi, nhưng ánh mắt học trò sẽ cho mình biết rằng sự hưởng thụ quá đà của mình đã sai lầm. Một ngày bỏ hết công việc, nằm xuống nghỉ, không nghĩ ngợi gì, cũng được thôi. Nhưng suốt một năm sau đó, mình sẽ hối hận vì cái ngày đó mình đã bỏ rơi học trò, chỉ chăm lo cho nỗi mệt mỏi của mình. Mắt học trò sẽ nói rằng mình đã bỏ chúng.
Có thể thức đêm, có thể làm việc thứ 7, Chủ Nhật. Không sao. Vì đó là yêu cầu của nghề mình chọn. Và vì mình vất vả như vậy nhưng thành quả mà mình nhận được quý giá vô cùng, không thể đo được bằng vật chất, không hề giống bất cứ loại đãi ngộ nào mà những nhân viên bình thường nhận được.
- Giáo viên không được tự cho mình quyền phạm sai lầm. Vì sản phẩm của mình là CON NGƯỜI. Cái cốc cái nồi bị lỗi thì làm lại cái khác. Người hư không bỏ đi được.
Dĩ nhiên làm gì có chuyện không phạm bất kì sai lầm nào. Nhưng phải hạn chế hết mức. Phải làm sao cho có ít sai lầm nhất. Phải cầu toàn.
Nhiêu đó thôi mà mãi sau này mình mới nhận ra, bỏ phí mất một quãng thời gian dài đau đớn, loay hoay.
Tóm lại, nói rất thật lòng, mình nghĩ GIÁO VIÊN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI. Mình là giáo viên, mình chấp nhận điều đó một cách cực kì vui vẻ, không ta thán, xem đó như chuyện bình thường. Rồi cứ thế, mình kiên nhẫn làm công việc của mình.