Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Những giấc mơ hời hợt

Hôm nay mình xem phim Her. Dù phim nói gì thì mình vẫn thấy Samatha không thật. Không thật tí nào. Nhưng có cái này thật: cảm giác hoang mang trước sức mạnh của công nghệ, của thế giới ảo. Mình nhận ra, thế giới ảo không chỉ là internet đâu, mà còn là chính cuộc đời ta đang sống này, một nơi đã bị ta "ảo hóa". Rất nhiều người trong chúng ta đã chọn không sống với thực tại.
Mình ngủ quên ngay đoạn cuối phim. Rồi tỉnh dậy. Như mọi lần bất ngờ tỉnh dậy khác, cảm giác của mình kinh khủng, lạ lùng lắm nhưng thật lắm. Đó là cảm giác xa lạ và sợ hãi với chính hiện tại này, và hồ nghi về một hiện tại khác.
Một hiện tại khác, nơi con người không tham vọng biết thêm nhiều thứ. Kỹ năng này, chiến lược nọ. Các phần mềm. Các công thức. Những con số giản đơn đến ngô nghê: 5 kiểu cấu trúc cho bài văn, 4 yếu tố quan trọng nhất của câu chuyện, 5 giai đoạn cốt truyện... Hay phổ biến hơn: 7 bước đến thành công. Ví dụ vậy. Đó chính là những thứ mình có lúc đã sa vào nói cho tụi nhỏ nghe, với không ít nhiệt tình. Đó không phải là hiện thực. Hiện thực cực kì sống động, tinh tế, đơn sơ nhưng phải thấu hiểu bằng cả trái tim dịu dàng. Hiện thực cũng không nằm trên mạng xã hội với các tin tức nóng hổi mà người ta cập nhật như thể không biết chuyện cướp, đốt, giết, hiếp nào mới xảy ra hôm qua là một nỗi xấu hổ. Thực tại giản dị hơn, bình an hơn.
Học sinh của mình mê máy tính đến đáng sợ. Nhưng lại ngại đọc văn dài. Không có thời gian type câu văn đủ chủ vị. Không có niềm vui xây dựng các giao tiếp có ý nghĩa.
Mình ước sao mình và các em sống trong một thực tại khác gần gũi hơn, tinh sạch hơn. Không có nhiều sáng kiến tiến bộ ra rả bên tai. Không cần xem báo mạng hàng ngày. Người ta dành thời gian nhìn nhau, nói và làm bằng trái tim. Xây dựng mối quan hệ tốt giữa người với người thật sự còn rất nhiều vất vả.
Một chuyện khác:
Mình tỉnh dậy đúng vào khi tivi đang chiếu phóng sự về làng nghề làm giấy cổ ở Yên Thái/An Thái - Hà Nội. Và người ta đọc một bài ca dao quen thuộc đến nao lòng:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Và, chưa bao giờ thật lòng hơn, mình nhớ Hà Nội. Nhớ những điều không có trong sách, không có trong tâm hồn đau khổ, cay nghiệt của mình thời còn sống ngoài đó. Nhớ một Hà-Nội-là-Hà-Nội. Cũng có thể mình chưa bao giờ biết đến một Hà-Nội-là-Hà-Nội như vậy. Vì tâm mình hồi đó chỉ có nỗi buồn, sự ghét bỏ, tâm mình toàn vọng tưởng, mình đã luôn nghĩ rằng "cuộc sống không ở đây".
Vậy đó. Nhưng cũng đâu có nghĩa là mình của hiện tại đã chấm dứt những giấc mơ về một nơi nào đó "không ở đây". Những giấc mơ của con người đôi khi chỉ là trò chơi khăm được dẫn dắt bởi nhiều thứ: những tấm gương vô nghĩa (tiến sĩ ở Mỹ về, bạn thanh niên đi du lịch vòng quanh thế giới), những triết lý nông cạn (sách self-help, mạng xã hội), công nghệ nhiếp ảnh tân tiến lừa tình vô đối, vân vân.
Những giấc mơ hời hợt đẩy mình ra xa thực tại thuần khiết của mình. Những giấc mơ mà đuổi theo thôi cũng hết đời. Những giấc mơ mình sẽ phải trả giá.

Vì sao con không được chọn?

Có hơn 3 học sinh đã gặp mình và nói:
- Con muốn đón đoàn SST của Singapore. Cô à vì sao con không được chọn nhỉ?
- Cô ơi tiêu chí của họ là gì để họ chọn nhỉ? Con không cần được chọn nữa đâu vì trễ rồi. Nhưng con muốn biết tiêu chí để lần sau con được chọn cô à.
- Con buồn lắm cô à. Con không hề nhận được thông tin gì hết. Bạn nào được chọn thì bạn đó biết thôi.
...
Mình không an ủi học sinh: không sao đâu con. Hoặc: con phải cố gắng hơn nữa. Cố gắng là để vì bản thân mình thôi. Hoặc: một chuyện nhỏ vầy con cho qua nhé, mai mốt cơ hội sẽ đến với con. Hoặc: người ta có lý do của người ta con à. Con thử suy nghĩ lại mình trước nhé. Tiên trách kỷ mà...
Mình nói với HS:
- Thật là mấy người tào lao hết sức con à. Họ nghĩ họ là trời, trời kêu ai nấy dạ đó con à. Con không nên thầm buồn bã, tự trách mình làm chưa tốt, tự động viên mình bằng mấy câu ngớ ngẩn. Thật ra, vấn đề nằm ở người ta, chứ không phải mình. Và mình không phải hàng hóa để họ thích thì lựa, không thì bơ. Mình không cho ai định nghĩa mình. Mình không sống bằng định nghĩa của những kẻ vô duyên tự cho mình có quyền phủ định ai đó. 
Tóm lại là cho qua. Đi làm việc của mình. Và đừng bao giờ để họ sai khiến, bắt nạt là được.

Một chuyện để nghĩ

1. Mọi giáo viên và mọi nơi trong nhà trường này đều kể với mình những câu chuyện có mô típ như sau:
- X. là một đứa cá biệt/đanh đá cá cầy/hay vi phạm lỗi A./tinh tướng hay cãi... Đại khái là những học sinh không giống hình dung và mong muốn của giáo viên.
- Anh/chị đã dùng cách này nè (giấy tờ/hình phạt/phụ huynh/chép phạt/quy trình/điểm hạnh kiểm/giám thị).
- Cuối cùng nó sợ chết khiếp/có dám nữa đâu/đỡ rồi/không hề ho he gì nữa/thay đổi/ngoan.

Và rất dễ kết luận rằng mình đã thay đổi được một học trò.
Trong lúc thực thi các giải pháp kỷ luật, thầy cô phải có một niềm tin và luôn phải tự nhủ với mình rằng: "Mình có thể bị ghét, làm nó ghét, nhưng đó là điều tốt cho nó. Rồi mai sau nó sẽ hiểu. Phụ huynh sẽ hiểu."

2. Vấn đề là:
- Có thật mình thay đổi được HS hay chỉ làm cho HS tạo ra một vỏ bọc trước mặt mình hòng yên chuyện?
- Làm sao mình lại biết được cái gì là tốt cho ai đó?
- Làm sao mình dám chắc hành vi của HS là sai trái, là lỗi lầm mười mươi?
- GV có từng phạm lỗi như vậy? GV có thích bị ai ép buộc?

3. Hồ nghi của mình:
- Đằng sau lỗi sai có thể là một nỗi sợ.
- Tại sao không ai kể rằng mình đã "nói chuyện" với HS như thế nào và hiểu ra điều gì?
- Tại sao luôn có kẻ thắng người thua? Mình không thắng HS thì HS sẽ đè đầu cưỡi cổ mình thật ư? Có cách nào bình đẳng, vui vẻ hơn?
- Những đứa trẻ ngoan ngoãn là những đứa sẽ nổi loạn kinh khủng nhất khi nó thoát ra được những lời khuyên và ép buộc thuở ấu thơ.
- Những đứa bị rèn giũa, cải tạo nặng quá thì sẽ phạm tội vì nó đã bị gắn nhãn là kẻ xấu rồi.
- Các biện pháp hay ho, thông minh của GVCN lúc nào cũng chứa sự cưỡng bức trong đó và tích tụ dần, trẻ con sẽ cảm thấy bị tổn thương.

4. Đáp án cuối cùng:
Chưa có. Mình đang tìm hiểu.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Con có muốn ôm cô không?

Con là bạn nhỏ lịch sự nhất mà cô từng biết. Luôn cúi đầu, dạ thưa, nói năng rõ ràng, dùng từ chuẩn xác, chừng mực. Con thường chia sẻ với cô chuyện nọ, chuyện kia. Con cũng hay giúp cô.

Cho tới khi cô biết con có vấn đề về kiềm chế cảm xúc, với người bạn mà con yêu quý nhất. Khi tình cảm không được đáp lại, con dùng kéo làm mũi bạn chảy máu, ấn đầu bạn, siết cổ bạn. Kết quả là ba mẹ bạn gặp cô đòi chuyển lớp.

Con bảo lúc đó, con là một con người khác.

Nhớ lại những ngày trước đó của con, khi con còn là một cậu bé tự nhiên, lịch sự, cô không muốn tin là con đã có hành động thô bạo với bạn. Con ngồi đó nhỏ bé và đầy băn khoăn, giữa cô, giám thị, phụ huynh. Con đang cố giải thích cho mình, xoay sở, sửa sai. Con phải đối mặt với thế giới người lớn quá đáng sợ, con phải đối diện với lòng mình quá rối ren, lạ kỳ. 

Nhiều ngày sau đó, cô vẫn không tin con là một cậu bé thô bạo. Nhưng cô không biết làm gì. Mình chỉ nói chuyện với nhau, nhiều thật nhiều. Cô không cho bạn chuyển lớp, cô xin phụ huynh cho con cơ hội cuối cùng. Như thể cô đang trốn tránh, trì hoãn, vì trong lòng cô không tin, lòng cô không thể quyết liệt hay cứng rắn gì được. Cô đang nhớ lại hình ảnh trong sáng của con, trên bục giảng, giữa sân trường, với chiếc áo khoác xanh lam luôn thơm phức, những bước chân chắc chắn và những giọt mồ hôi.

Rồi mình giao hẹn với nhau. Rồi con gồng lên để giữ lời hứa. Đến sớm mỗi ngày, chạy qua chạy lại phụ lớp việc vặt, đóng góp ý tưởng để lớp tốt hơn. Con nói nhiều hơn ngày thường. Khi người ta nói nhiều như vậy, có lẽ họ đang bất an. Cô không nhắc nhở con hay lấy làm khó chịu. Cô cười và để con như thế. Cô muốn nhìn xem, con tự đi qua khó khăn này ra sao. Khi con có nguy cơ phải rời xa người bạn con quý nhất, khi con đang đánh mất dần lòng tin của người lớn, khi con bị gán cho những tính từ xa lạ, con sẽ làm thế nào. 

Nhưng, lòng cô thắt lại khi con bày tỏ tình cảm với cô nồng nhiệt hơn ngày thường. Một lần nọ, con nói với cô: con thương cô, may mắn khi cô chủ nhiệm con, giúp đỡ con trong chuyện này. Một buổi sáng, con nói con muốn ôm cô. Những ngày cận kề sinh nhật cô, con đi ra đi vào. Con lo âu: tại sao cô lại sinh nhật vào thứ Bảy, con biết làm sao bây giờ? Con hỏi ngược hỏi xuôi, rồi băn khoăn, nghĩ ngợi. Đến bản thân cô còn thờ ơ với sinh nhật của mình, vậy mà không ngờ có một bạn nhỏ lo cho cô nhiều đến thế.

Cô nhớ đến mình của ngày xưa. Đó là ngày mà cô xem những người xung quanh quan trọng hơn chính bản thân mình. Cô cuống cuồng yêu thương, cuống cuồng quan tâm, chăm sóc. Vì mỗi khi trở về một mình, cô sợ một mình. Cô sợ bị bỏ rơi, sợ cô đơn. Thường sau một lỗi sai, cô cố gắng gấp đôi để chứng tỏ mình cũng là người tốt. Cô cần được làm hòa. Nhưng không nhiều người hiểu điều đó. Rồi cũng có ngày cô từ bỏ khát vọng làm người tốt, chấp nhận sự méo mó và chấp nhận cô đơn.

Thế giới của con thật khó lý giải. Cô chỉ có thể liên tưởng đến chính cô, và âm thầm nghĩ rằng con đáng thương như vậy. Thật sự, cô không bao giờ biết hết những gì đang xảy ra trong tâm trí con những ngày lạ lùng này. 

Chiều nay, 8/10, trước ngày sinh nhật cô 2 ngày, con tìm cô trong phòng họp. Con trao cô món quà là hộp bánh chị con tự làm và chiếc túi con nhờ mẹ mua. Con cúi đầu lễ phép: dạ con tặng cô, con chúc cô sinh nhật vui vẻ. Cô đã dặn con nhiều lần, chớ có cầu kỳ. Nhưng cô vẫn cảm động vì đây là món quà sinh nhật đầu tiên cô nhận được trong năm nay. Rồi hình ảnh con của mấy ngày nay đầy lo âu và nghĩ ngợi ùa đến trong suy nghĩ khiến cô ngạc nhiên, hạnh phúc. Con cười xấu hổ, hai cánh tay con mở ra rồi khép lại liên hồi, bối rối như buổi sáng con nói con muốn ôm cô.

Cô hỏi: Con có muốn ôm cô không?
Con nói: Dạ có.

Rồi cô nhận cái ôm đầu tiên từ học trò. Và cũng là lần đầu tiên cô xúc động tới vậy. Chỉ cần nghĩ đến mấy từ nặng nề: siết cổ bạn, cắt mũi bạn, bạo hành, chuyển lớp đã quanh quẩn trong tâm trí mấy tuần nay, là cô lại muốn rớt nước mắt vì thương con. Đến bây giờ cô vẫn không tin.

Con là một người chu đáo. May mắn cho ai được con yêu thương.