Có nhiều nỗi lo. Lo nộp báo cáo trễ, lo quên gửi email cho phụ huynh, lo đi muộn, bị trừ điểm, quên kí sổ đầu bài, bị trừ tiền.
Nhưng tôi vẫn còn đủng đỉnh chán chê, dầu phải sống chung với những nỗi lo đó từng ngày. Thường tôi hay quên, sót một vài công việc. Có hề gì. Tôi đâu có quan trọng giáo viên hạng A, B, C hay D gì.
Nhưng chiều nay dắt xe vào nhà xong, tôi thở dài một tiếng. Tiếng thở nghe rõ mồn một. Phải nén những tiếng thở dài chứ, con gái ai lại thở dài thườn thượt như vậy nhỉ? Hay sâu trong lòng, tôi đang có lo lắng gì?
Có những khi tôi không biết rõ tôi đang lo gì, chỉ thấy nặng nề. Đi xe hay bước bộ mà đầu óc tôi cứ cố lục lại từng chi tiết của ngày hôm nay để tìm cho ra nguồn gốc nỗi lo. Rồi tôi giật mình.
Sáng nay 9A1 im phăng phắc suốt tiết học. Chẳng là tiết trước, tôi bỏ ngang bài dạy vì lớp quá ồn. Tụi nhỏ chắc đã bàn nhau từ trước để hôm nay ngoan hơn. Tôi bất ngờ vì học sinh thương mình và tự giác đến như vậy. Nhưng tôi thấy em Khang - cái em hay nói chuyện mọi ngày - ngáp đỏ hoe cả mắt. Nhìn quanh lớp, tôi phát hiện thêm một em nữ nằm gục xuống bàn. Phần còn lại của lớp cố gắng nghe cô giảng. Sự im lặng khiến tôi rùng mình lo lắng. Tôi cố nói to, đi lại năng động hơn trong lớp, cố cho học sinh thấy hôm nay mình chuẩn bị bài rất kĩ, có nhiều tranh, clip, hoạt động nhóm sinh động. Nào là trò đuổi hình bắt chữ, nào là đoạn phim về tận dụng thời gian, nào là các đề thi NLXH mà mình cố công sưu tầm, nào là hoạt động thảo luận được thiết kế theo phương pháp 6 chiếc mũ tư duy. Nhưng cứ một chốc tôi lại lén nhìn một vài học sinh. Tôi ám ảnh vì ánh mắt những em vốn ồn ào hôm nay đã im lặng. Các em mỏi mệt, chán nản. Vì bài dạy của tôi chưa bao giờ đủ sức thuyết phục chúng, dù tôi có dùng nỗi buồn, nỗi giận dữ để khiến các em lo sợ. Còn vì chúng đã phải làm khác với chính mình. Tôi sợ tôi đã dạy các em lần đâu tiên bài học sống khác mình đi để vừa lòng người lớn. Tôi không buồn, tôi đau đớn. Và tôi biết mình sẽ phải dùng một cách khác thôi.
Chiều nay tôi nói rất nhiều trong 2 tiết học của 9A5. 9A5 rất thông minh, là lớp học tôi yêu quý nhất. Chính sự thông minh của chúng khiến tôi phải thật cẩn trọng. Song chiều nay, do nói nhanh quá, có một chỗ tôi đã nói lầm. Tôi khẽ trông thấy ánh mắt của những học sinh mình thường trò chuyện, ngợi khen. Tôi nhìn thấy sự thẳng thắn, mạnh dạn, tự tin của các em. Cả một chút chán nản. Tụi nhỏ của tôi, chưa bao giờ chúng cố tỏ ra hiểu một điều chúng không hiểu, cố khen một điều chúng thấy sai. Và tôi cứ đoán già đoán non: "Học sinh có thất vọng, có hồ nghi gì không nhỉ?". Cuối giờ, đám nhỏ giải tán rất nhanh, nói cười vui vẻ như chúng vẫn luôn thế. Nhưng nỗi day dứt khiến tôi không ngăn được việc níu áo một học sinh: "Hôm nay, tụi con có hiểu bài không?". "Dạ có. Một bài văn có từ 3-5 ý là tốt nhất, đừng quy kết vội vàng với cả cố viết dễ thương tí, phải không cô?". Tôi không nhớ mình đã nói thế, tôi chỉ nghĩ về cái chỗ mình đã nhầm lẫn. Rồi tôi còn điểm lại tất cả những khoảnh khắc nhầm lẫn, tẽn tò, vô duyên khác đã từng xảy đến từ đầu năm. Ôi, tôi không thể không tràn trề tuyệt vọng về bản thân. Dù học sinh tôi cứ hồn nhiên, vô tư, thật thà như thế. Và đôi lúc chúng còn rộng rãi yêu thương tôi nữa, có lẽ.
Cuối buổi chiều, tôi nán ở lại hơn một tiếng nữa để ôn bài cho Tiên trước khi thi vòng 2 đội tuyển vào ngày mai. Tôi có nói: "Nhiều lúc cô chẳng biết dạy gì cho con. Hay hôm sau tụi mình rủ nhau đọc một cuốn sách rồi đến lớp bàn về cuốn sách đó với nhau, đi?". Lúc đó là tôi chán và mệt mỏi cực độ rồi. Cảm giác lo lắng cho Tiên trộn lẫn với cảm giác bản thân mình kém cỏi, nhỏ bé khiến tôi nói rất nhiều trong một tiếng đó, về những gì mình trải qua, nhìn thấy, nghĩ về suốt một kì qua ở đây, về cảm giác không chắc chắn bất cứ cái gì của mình, và về những điều thật thà mà mình mong muốn. Cho một kì vất vả phía trước. Tôi căn dặn nhanh một vài lời để Tiên tự tin, rồi ra về. Bụng đau từng cơn một, lưng mỏi nhừ.
Nói thật, tôi cũng không rõ lắm là có điều gì đáng lo thật sự hay không. Hay hôm nay, sức khỏe không tốt nên tôi sinh ra nhạy cảm? Tôi chỉ muốn liên thiên vài dòng để cất được cảm giác nặng trịch trong lòng. Và bỗng dưng tôi muốn học sinh mình cũng hiểu cảm giác của mình lúc này. Có một người đang nghĩ đến chúng, lo cho chúng, thật lòng thật dạ với những cảm xúc kì lạ nhất trên đời.
Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015
Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015
Đội tuyển của cô Hà
Dĩ nhiên các con chẳng phải là của cô, của một mình cô rồi, nhưng cô vẫn thích gọi 10 (+2) thành viên của đội tuyển mình như vậy. Vì trong quãng thời gian rất ngắn ngủi vừa qua, tính từ khi thành lập đội tuyển, cô đã được ở bên các con khá nhiều.
Cô nhớ rất rõ quá trình cô tìm thấy các con giữa hơn 100 học sinh khối 9 mà cô giảng dạy. Những bài kiểm tra đầu tiên của các con được cô hào phóng cho điểm cao nhất trong khối, chỉ vì cô thấy bạn nào cũng chân thật, cá tính. Những bài viết ấy có thể chưa chuẩn mực, nhưng trong đó luôn có một cái gì đó khiến cho các con khác với số đông, không bị hòa lẫn. Cô nhớ Gia Hân với những phát biểu thẳng thắn tới mức đôi khi khiến cô cảm thấy tự ái, Quang Triết với những trang viết thỏ thẻ, nhẹ nhàng, đầy mơ mộng, Lan Anh với bài văn đong đầy tình yêu về xứ dừa Bình Định,... Mới đi dạy lần đầu, cô không đủ sức lực để truyền cho các con thật nhiều kinh nghiệm, công thức, khuôn mẫu làm bài, mà cũng không thật cần thiết. Cô chỉ có thể giúp các con bằng thái độ động viên hết mình trước mỗi một câu văn chân thật, một ý tưởng tự do của các con mà thôi.
Sự thật là các con đã thay đổi cô rất nhiều từ chính những điều các con viết. Không phải tự nhiên mà cô hay nhớ lại hồi mình bằng tuổi các con - một giai đoạn cực kỳ đặc biệt trong cuộc đời đi học của cô. Cô đã có một chút hổ thẹn vì vào thời điểm đó, mình đã không dám nói thẳng, nói tự do, không giàu ý tưởng và mơ mộng như các con. Cô quá trau chuốt câu chữ, rèn giũa cho nó thật giống của người lớn, mà bỏ lỡ biết bao nhiêu hồn nhiên. Cô cũng hay nghĩ vẩn vơ về những điều người ta nói với cô trước đây: "Học trò trong Nam học Văn chán lắm, nó thiếu hẳn cái chiều sâu của dân Bắc". Cô thấy nói vậy là hoàn toàn sai. Nếu học sinh "giỏi", "có chiều sâu" các thứ rồi, thì chúng còn cần thầy cô làm gì? Các con, mỗi người là một cá thể vô cùng kỳ lạ, đẹp đẽ, các con không cần phải cố gắng để có chiều sâu chiều nông gì hết cả. Các con chỉ cần cứ như bây giờ, "chân thật đến đáy", đọc nhiều sách, trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, biết suy nghĩ, biết buồn vui là được rồi. Rốt cuộc, dù sao cũng không thể lấy giáo viên là chuẩn mực để bắt học sinh cũng sống một cuộc đời như thế, nghĩ ngợi và nói năng như thế được. Các con có thế giới riêng mà những người như cô không hiểu và không bước vào được, chỉ có thể tôn trọng mà thôi.
Đội tuyển à, cô cũng nhớ cả sự cố gắng của các con qua từng bài viết. Hôm mình làm bài kiểm tra để chọn ra 10 người đi thi cấp Quận, các con đã có mặt đông đủ, ai cũng đầy lo âu. Các con hỏi cô rất kỹ từng bước làm bài. Khi chấm bài, cô có cảm giác, Khang đã dồn rất nhiều sự chú ý để viết một bài văn tương đối mạch lạc, cả chữ viết và cách diễn đạt của con trong bài viết đó cũng được cải thiện rất đáng kể. Còn Linh, con không còn là cô học trò nói cười tự do, lộ rõ vẻ cá tính, nghịch ngợm như buổi đầu cô biết nữa, con đã ngồi lại rất lâu để viết gần 3 trang giấy về lỗi lầm và sự biết ơn, trong đó có dẫn lại một chi tiết trong Những người khốn khổ mà cô rất thích. Đến tận lúc này, cô vẫn tin con thuộc vào tốp đầu của đội tuyển. Hải My, Gia Hân ban đầu không định vào đội tuyển, nhưng khi đã quyết định thì các con lại rất vững vàng, dồn nhiều niềm tin vào kỳ thi cấp Quận. Cô nhớ là vào giờ chót, khi đội tuyển dư ra một người và cô đến đặt vấn đề với hai bạn, thì cả Hải My và Gia Hân đều không hề muốn nhường chỗ của mình trong đội tuyển cho các bạn khác. Các con hiểu rất rõ đây là cơ hội của chính các con. Cô rất cảm động vì thái độ đó. Vậy mà ban đầu cô đã hiểu sai, cô cứ ngỡ các con chỉ muốn chơi đùa với cô và môn học này.
Chỉ ít tuần với đội tuyển, nhưng cô đã có rất nhiều cảm xúc khác nhau. Cô chắt lọc từng niềm vui nhỏ khi thỉnh thoảng, cứ sau tiết học là lại có bạn lên đăng ký vào đội tuyển Văn. Có lần, vì quá sung sướng, cô đã gọi điện cho gia đình ngay sau khi đi làm về để kể chuyện, rằng trên lớp có một học sinh cứ hỏi đi hỏi lại: "Cô ơi ĐT Văn ai dạy?". Khi được hỏi "Con thích ai dạy con?" thì học sinh ấy đã trả lời bằng cách chỉ tay vào cô. Nhưng thời gian qua, cũng có những ngày cô cảm thấy rất đau đầu, căng thẳng. Đó là hôm cô soạn chương trình học cho các con. Cô đã nghĩ mãi về những điều cô được học và chưa được học hồi trước, những điều cô thích, những điều khiến cô cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ. Cô muốn các con cũng cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ khi học Văn, và những điều hồi xưa cô Phải học, các con sẽ Không Cần học nữa. Cô chẳng kịp nghĩ gì về thành tích, chuẩn kiến thức, khung đề thi này nọ, vậy thôi mà cũng mất trọn một ngày để soạn chương trình dạy ĐT cho các con. Nhìn chương trình dạy học đầu tiên mình tự soạn thảo, cô thấy vui sướng lạ lùng. Cô nhìn thấy các con cũng có một chút vui mừng, háo hức. Nếu văn chương là một thứ thoải mái cỡ vậy, thì ai mà không yêu thích cho được.
Kỷ niệm căng thẳng thứ hai của cô là lần phải quyết định 10 bạn nào sẽ vào đội tuyển chính thức để đi thi cấp Quận. Cô không muốn gạch bỏ tên bất kỳ bạn nào ra khỏi danh sách, cô không muốn các con buồn vì quyết định của cô, dù quyết định ấy là như thế nào. Và cô thậm chí còn cầu mong các con cảm thấy coi thường cái kỳ thi dở hơi này một chút. Bởi vì đầu óc các con xứng đáng được tiếp nhận nhiều thứ phong phú hơn, chứ không phải chỉ là những bài văn bảnh chọe mang đi thi. Các con có thể không đi thi, không phải là học sinh giỏi, nhưng các con có thể đọc sách, trải nghiệm, vui chơi, làm những chuyện điên rồ khác của tuổi trẻ. Cứ đào mãi, đào mãi vào mấy cái đề thi đầy tính áp đặt kia, thì làm sao mà "có chiều sâu", "sâu sắc trong văn chương" hơn được? Tuổi trẻ không phải là để gục mặt vào sách vở. Thế nên cô đã cảm thấy rất tiếc nuối khi bao nhiêu năm tháng trước đây, cô đã quá đam mê những kỳ thi. Nó khiến cô già đi, nó khiến cô bị ảo tưởng, nó mang đến cho cô những hành trang giả dối rủng roẻng. Bấy nhiêu điều, cô muốn nói hết cho các con hiểu, nhưng lại không nói được. Các con mạnh mẽ hơn cô hồi xưa, nhưng cô biết, nghe tin mình không được vào đội tuyển, bạn nào cũng ít nhiều tiếc nuối.
Còn lại 10 bạn, các con có vẻ đã rất vui khi được đi học đội tuyển. Một phần vì các con chăm ngoan, một phần có lẽ là vì được ăn, được mặc đồ tự do, lại còn được chụp ảnh, nói chuyện nhiều hơn với các bạn lớp khác. Các con mới 14 tuổi, các con hồn nhiên như vậy đấy. Một số bạn như Tiên, Lan Anh, Triết, Khang hay Phúc thì lại khiến cô cảm thấy các con yêu môn Văn rất nhiều. Cô thấy may mắn khi có tất cả các con, những học trò thật đặc biệt, và dù công việc bồi dưỡng ĐT là quá nặng nề và áp lực với một giáo viên mới ra trường, cô vẫn nhận và cố sức. Nhiều khi, nhìn các con, cô chỉ muốn lao đến bên bàn soạn bài ngay. Cô muốn chuẩn bị thật kỹ để mang đến cho các con một điều gì đó thật vui vẻ, bổ ích, tốt đẹp. Các con đã làm nên sức mạnh trong cô như vậy đấy.
Hôm đưa các con đi thi cấp Quận, nhìn mấy đứa học sinh của mình ngơ ngác giữa một ngôi trường lạ cùng bao bạn bè lạ, cô thấy thương các con nhiều quá. Các con biết rằng ở bên ngoài, mọi thứ chẳng còn giống như khi mình ở "nhà" mình là LSTS nữa, nhưng các con đâu hình dung được những tính toán của người lớn. Các con chẳng hiểu được đâu. Ở trường nhìn bạn nào cũng rạng rỡ, xinh đẹp, tự tin, vậy mà lúc ra ngoài, cô lại thấy các con biết bao là bé bỏng. Các con kể với cô rằng học sinh trường mình hay bị chê là "con nhà giàu, chảnh chọe", và các con cảm thấy bối rối vì điều đó. Cô nhớ Gia Hân đã nhìn ra phía cô mãi lúc con đã vào phòng thi rồi, thế nên cô đã cố gắng tìm một chỗ ngồi có thể khiến con dễ trông thấy cô nhất. Nhưng rồi cô nhận ra, sự có mặt của cô không giúp cho các con làm bài tốt hơn, thậm chí còn gây mất tập trung, làm giám thị để ý, nên cô đi ra. Tới cổng trường, lòng cô nặng trĩu.
Hôm nay, cô nhận được kết quả kỳ thi vừa rồi. Chỉ 1/10 bạn được vào vòng trong. Cô không biết nên cảm thấy chúng ta may mắn hay xui xẻo nữa. Có quá nhiều điều cô muốn nói với các con, từng bạn một, để các con nhanh chóng quên đi kỳ thi này vào ngày mai. Nhưng rồi cô im lặng. Vì cô chợt nhớ ra là các con đâu có yếu ớt như cô hồi nào. Các con đều là những bạn học sinh rất cá tính, thẳng thắn, nên không thể dễ dàng xuống tinh thần vì mấy chuyện xoàng xĩnh này được. Tình cảm yêu thương và lời nhắn cho các con, cô đành gửi hết vào bài viết nhỏ này. Cô mong đội tuyển của cô Hà sẽ mãi như các con bây giờ: không nghe theo khuôn mẫu, không biết nói dối. Các con sẽ dành những ngày tháng phía trước để đọc nhiều hơn, chơi nhiều hơn, làm nhiều chuyện giật gân hơn để làm đầy tuổi trẻ của chính mình.
Cô luôn ở bên các con!
Viết vội đêm cuối học kỳ
Hôm nay đã là ngày cuối của học kỳ.
Mình sẽ không nói về những thứ mình làm không tốt. Không phải vì mình làm tốt hết. Mà vì nhiều thứ không tốt quá, chả biết kể bao giờ mới hết.
Hoang mang, lo lắng, rồi hối hả chạy nước rút cho mấy ngày cuối, giờ này mình vẫn còn chưa hết băn khoăn.
Cuối giờ chiều nay vẫn có mấy học sinh phải ở lại với mình để rèn chữ, luyện câu. Tức là những công việc đơn giản nhất của viết văn. Trong đó có một học sinh là người nước ngoài, viết Tiếng Việt chưa sõi, một học sinh nam khác thì rất hiền, hiểu biết, nói rất tốt nhưng chữ thậm xấu và viết không bao giờ thành câu. Mình chỉ lo, không biết những giờ phút ít ỏi cuối cùng này có đủ khiến tụi nhỏ nhận ra điều gì, thay đổi điều gì không?
Cũng cuối giờ chiều hôm nay, một nhóm gồm 4 học sinh đến gặp mình xin làm bài kiểm tra cải thiện điểm. Tụi nhỏ nói: "Con không muốn xếp loại khá vì kỳ rồi con bị loại trung bình. Con muốn năm sau được ở lại trường mình cô ạ", "Con đã tập viết rất nhiều cô ạ, chữ con được như thế này là cả một thay đổi ghê gớm. Nhưng bài con vẫn bị thấp điểm, con buồn lắm", "Cô chỉ cho con làm sao để viết bài nghị luận xã hội hay đi cô, con sẽ làm theo cô ạ, con muốn viết hay như các bạn điểm cao", "Con và mẹ ngồi làm bài văn này, mất rất nhiều thời gian. Giờ về mẹ hỏi con không biết nói ra sao vì con cũng không biết nó dở bắt đầu từ chỗ nào. Con thấy con cố hoài mà điểm vẫn thấp cô ạ". Thế rồi 4 học sinh ngồi lại vào một góc lớp, chăm chỉ làm đề thi cải thiện cô ra. Nhìn những ánh mắt trong sáng đang tràn đầy căng thẳng, lo lắng, thật lòng mình muốn làm gì đó cho chúng. Nhưng rồi mình vẫn chẳng thể chấm điểm cao vọt hẳn lên so với thực lực học sinh, chỉ dám rón rén ghi vào cuối bài: "Con rất có ý chí. Cô chúc con thi tốt. Con ráng lên".
Những ánh mắt thơ ngây của những đứa học trò tuy lớn xác mà vụng dại, hồn nhiên đó chắc chắn đêm nay sẽ khiến mình khó ngủ.
Dạy gần 150 học sinh, thú thật, tới giờ phút này mình chưa nhớ hết tên tụi nhỏ và thỉnh thoảng vẫn gọi nhầm. Tên họ còn chẳng nhớ, nói gì đến tâm tư, sở nguyện của từng đứa. Đã nhiều lần, mình phải tự giật mình. Như hồi chiều chẳng hạn. Trời ơi, tại sao tới giờ này mình mới biết? Rằng Hạnh Nguyên không phải là đứa học trò viết văn y hệt ngôn tình, đanh đá cá cầy, lại hay phàn nàn về điểm như mình từng nghĩ, mà chỉ là cô bé có đôi mắt tròn xoe, trót xếp loại trung bình kỳ trước và hiện tại đang chịu nhiều áp lực? Rằng nếu nhìn bề ngoài thì Ngọc Thiện có vẻ cẩu thả, làm văn "cho có" như một số bạn nam khác, nhưng thật ra là ngược lại, em có tính cách y hệt như tên em - hiền lành, thánh thiện, em nỗ lực rất nhiều để viết văn hay và viết chữ đỡ nguệch ngoạc. Rằng Tuấn Duy, Cát Tường không chỉ là những học sinh hăng hái phát biểu mà còn rất thích viết văn, mong muốn viết được những bài văn hay như các bạn điểm cao?
Một kỳ học vừa qua, có kể hết ngày cũng không hết những thiếu sót mà với cương vị giáo viên bộ môn, cô phải chịu trách nhiệm. Song cô biết, học sinh của cô tuy hồn nhiên nhưng lại rất biết suy nghĩ, biết thương cô giáo. Nên cô vẫn luôn tin rằng tụi con sẽ làm thật tốt, để vượt lên chính tụi con của ngày thường.
Lúc này đây, cô thương tụi con hơn bao giờ hết. Và cô chỉ biết cầu nguyện. Cùng với viết ra vài dòng vội vã ở đây cho tụi con thôi.
Kỳ sau trở đi cô sẽ chăm ghi chép về tụi con hơn
"Nói đến bà thì không thể nào không nói về bài thơ "Bếp lửa" của nhà văn Bằng Kiều".
(HS Đức Minh 9A5)- Từ "hà" trong tiếng Hán có nhiều nghĩa, có nghĩa là sông, có nghĩa là ráng chiều, có nghĩa là từ để hỏi, lại có một nghĩa là con tôm nữa.
- Cô ơi vậy tên cô có nghĩa là gì cô? Chắc là con tôm đúng không cô? Hihi, cô ơi con thích ăn con hà lăn bột!
(HS Phúc 7A6)
Trong giờ học bài "Mã Giám Sinh mua Kiều":
- Câu Hỏi quê, rằng: "Huyện Lâm Thanh cũng gần" vi phạm phương châm về chất ở chỗ nào?My hăng hái:
- Thưa cô Mã Giám Sinh nói dối ạ. Mã Giám Sinh không phải ở Lâm Thanh mà lại nói là ở Lâm Thanh.
- Tốt. Vậy Mã Giám Sinh quê ở đâu?
- Dạ thưa cô, Lâm Đồng ạ.
(HS My 9A5)
"Đôi chân của nó thì lúc nào cũng khỏe, em nói đôi chân nó khỏe vì có lần em thấy con mèo mun nhà em đã nhảy từ trên mái nhà xuống thế mà nó vẫn còn sống nhăn răng".
(HS Minh 7A6)
"Em học lớp 7. Học trường này đã nhiều năm (hẳn là nhiều năm) nhưng em quý nhất cô Hà.
Cô Hà chỉ cao hơn bạn Quỳnh Anh và bạn Phúc (hai đứa lùn nhất lớp 7A6) một chút. Cô là giáo viên năm đầu, hay đi trễ, hay than là công việc lu bu, lại còn không biết sắp xếp công việc khoa học. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của chúng em, cô có nhiều tiến bộ.
Cô dạy hay, cho chúng em chơi nhiều trò chơi, hay mua sách cho chúng em và rất thương chúng em. Em thương cô Hà lắm".
(HS Bảo 7A6)
"Quả bàng có nhiều công dụng đối với người và động vật. Cho con người bóng mát, cho chuột thức ăn. Có lần em lượm được một quả bàng, ăn thử thấy chát chát chua chua nhưng chuột lại thấy ngon, hay gặm để đỡ ngứa răng".
(HS Phúc 7A6)
"Đề: Viết thư cho một người bạn nước ngoài.
Bài làm: "Chào bạn Đào. Chắc bạn không biết mình đâu nhỉ? Nhưng mình biết bạn đấy. Tất cả mọi người đều biết những hành động gần đây của bạn ở ngoài biển Đông. Bạn coi chừng bạn nghe.
Không thân ái. Chào Đào!"
(HS Đoan 7A6)
[Phần 2] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)
Nguồn: http://www.wikihow.com/Make-a-Lesson-Plan
Bước 2: Dàn dựng buổi học
1. KHỞI ĐỘNG (HÂM NÓNG)
Lý do là: vào lúc bắt đầu tiết học, não bộ học sinh thường chưa tập trung ngay được. Lấy ví dụ về phẫu thuật tim. Nếu một người lập tức đi vào giải thích cách làm (chúng ta có lẽ đều sẽ bắt đầu như vậy cả), thì nào, chậm lại một chút và nói về con dao mổ cái đã. Hãy bắt đầu một cách dễ dàng như thế. Đó là mục đích của khởi động: không phải đo lường kiến thức học sinh, mà là đưa chúng vào đúng đường ray giáo viên mong muốn.
- Hoạt động cho phần khởi động có thể chỉ là một trò chơi đơn giản (chẳng hạn hỏi các từ vựng theo chủ điểm để kiểm tra học sinh hiểu bài tới đâu, nhớ được gì). Cũng có thể hỏi một câu bất kỳ, tổ chức chơi trò mingle, hoặc nói chuyện về một tấm hình. Dù là gì chăng nữa, hãy để học sinh nói. Để chúng được nghĩ ngợi về chủ đề bài học (kể cả khi bạn không nói ra chủ đề ấy một cách rõ ràng).
Vấn đề chỉ là làm sao cung cấp thông tin một cách rõ ràng, thẳng thắn nhất thôi, đúng vậy chứ? Dù bạn thiết kế bài dạy theo cách nào thì cũng hãy bắt đầu bằng việc trình chiếu thông tin trước. Đó là một đoạn phim, một bài hát, đoạn văn, hoặc một khái niệm. Và đó phải là một nội dung hết sức cốt lõi của toàn bài.
- Dựa vào khả năng học sinh, bạn chọn xem mình sẽ nói những ý chính nào. Hãy nghĩ xem mình phải quay ngược trở lại bao xa để giải thích những nội dung cốt lõi đó. Ví dụ, câu “Anh ấy đặt áo choàng trên giá” sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không biết “áo choàng” và “giá” có nghĩa là gì. Hãy đưa cho học sinh những khái niệm cực kì đơn giản và để phần tiếp theo của bài học củng cố cho khái niệm đó.
- Cũng khá là hữu ích nếu nói thẳng ra luôn với học sinh là chúng sắp học gì. Tức là cho chúng biết mục tiêu bài học. Không thể có gì rõ ràng hơn cách này. Học sinh sẽ biết trước là chúng sẽ thu được gì sau hôm nay.
3. LUYỆN TẬP CÓ HƯỚNG DẪN
Giờ thì học sinh nắm được các thông tin cần thiết rồi, cho nên bạn sẽ nghĩ ra một hoạt động nào đó để chúng được thực hành. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn mới mẻ nên hãy bắt đầu bằng một hoạt động có trợ giúp. Lập bảng, nối hai cột, hoặc nhận diện hình ảnh. Một ví dụ: chúng ta rõ ràng không thể nào học viết một đoạn văn trước khi học điền vào chỗ trống. Học sinh cũng vậy!
- Nếu đủ thời gian để tiến hành 2 hoạt động thì sẽ tốt hơn. Ý tưởng này rất hữu hiệu khi ta muốn kiểm tra hiểu biết của học sinh trên hai mức độ khác nhau – chẳng hạn như viết và nói (hai kĩ năng riêng biệt). Cố gắng kết hợp nhiều hoạt động đa dạng cho những học sinh có khuynh hướng khác nhau.
4. KIỂM TRA THÀNH QUẢ LÀM VIỆC, ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG
Sau khi luyện tập có hướng dẫn, hãy đánh giá học sinh. Chúng có tỏ ra hiểu những gì giáo viên trình chiếu trước đó? Nếu có thì tốt. Bạn có thể tiếp tục, giải thích thêm những yếu tố hóc búa hơn trong khái niệm ban đầu hoặc cho học sinh luyện tập những kĩ năng khó hơn. Còn nếu học sinh chưa hiểu, hãy quay lại khái niệm. Tự đặt câu hỏi: Làm thế nào để cung cấp khái niệm theo một cách khác đây?
- Dạy một thời gian, chắc chắn bạn biết những học sinh tiếp thu kém. Hãy ghép cặp chúng với các học sinh khá để lớp tiến bộ. Không ai muốn để những học sinh cá biệt bị bỏ lại phía sau, nhưng chúng ta cũng chẳng muốn cả lớp phải dừng lại đến khi ai nấy đều đã hiểu bài rồi mới học tiếp.
5. HOẠT ĐỘNG TỰ DO
Đến đây thì học sinh đã có căn bản, nên để cho chúng tự luyện tập. Nhưng đừng nghĩ là bạn có thể ra khỏi phòng! Điều này chỉ có nghĩa là học sinh cần cố gắng sáng tạo hơn nữa để bản thân chiếm lĩnh được thông tin giáo viên cung cấp. Vậy làm sao để tâm trí học sinh tự do rộng mở?
- Tất cả tùy thuộc vào nội dung bài học và kĩ năng bạn muốn kích thích ở học sinh. Có thể tổ chức bất cứ cái gì theo ý bạn: ví dụ như một dự án làm con rối trong vòng 20 phút, hoặc một dự án khác kéo dài 2 tuần với chủ đề bao trùm là cuộc tranh luận nảy lửa về thuyết tiên nghiệm.
6. DÀNH THỜI GIAN CHO NHỮNG CÂU HỎI
Nếu lớp học dư dả thời gian để gói trọn vấn đề, hãy dành 10 phút cuối cho những câu hỏi. Có thể bắt đầu bằng một cuộc thảo luận và chuyển tới những thắc mắc sâu hơn nhằm khám phá bản chất vấn đề. Hoặc đây có thể là thời gian để bạn nói lại vấn đề một cách rõ ràng, đơn giản và sáng sủa hơn. Cả hai cách này đều có ích cho học sinh.
- Nếu có một nhóm học sinh không bao giờ chịu giơ tay, hãy để chúng làm việc luân phiên với nhau. Chẳng hạn đưa cho chúng một khía cạnh của chủ đề rồi yêu cầu thảo luận 5 phút để phản biện. Sau đó mang vấn đề chính trong cuộc thảo luận đó trước lớp cho các nhóm khác tiếp tục thảo luận. Những chi tiết thú vị chắc chắn sẽ sinh ra từ đây!
6. KẾT THÚC VẤN ĐỀ CỤ THỂ
Theo một nghĩa nào đó, một bài học giống một cuộc trò chuyện. Nếu chỉ đơn thuần dừng nó lại, dường như có gì đó vẫn còn lơ lửng. Cách làm này không sai, nhưng để lại cảm giác lấn cấn, không thoải mái. Nếu còn thời gian thì hãy cố gắng tổng kết bài học trước học sinh và trình bày rõ ràng, cụ thể nhất những gì học sinh vừa học được.
- Dành 5 phút để nhắc lại khái niệm chính của bài học. Đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức (đừng đưa thêm thông tin mới) để tóm tắt lại những gì cả cô và trò vừa làm được, thu được trong buổi học. Và công việc của bạn sẽ kết thúc trong sự trọn vẹn, chắc chắn.
(Còn nữa)
[Phần 1] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)
Để soạn được một giáo án hiệu quả nhất, dĩ nhiên bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian, sự chăm chỉ cùng khả năng thấu hiểu mục tiêu, năng lực học tập của học sinh. Mục đích của soạn giáo án cũng giống như mục đích của việc dạy học nói chung, đều là để thúc đẩy học sinh hiểu những gì bạn đang dạy và ghi nhớ nhiều nhất có thể. Sau đây là một số ý tưởng giúp bạn tạo ra hiệu suất tối đa cho công việc này.
Bước 1: Vạch ra CẤU TRÚC CƠ BẢN cho giáo án
1. Hiểu rõ mục tiêu của mình
Khi bắt đầu mỗi bài soạn, hãy viết mục tiêu bài học vào phần trên cùng của giáo án. Hãy làm cho mục tiêu ấy trở nên đơn giản tới không ngờ nổi. Chẳng hạn: “Học sinh có khả năng nhận biết những cấu trúc cơ thể khác nhau của động vật cho phép chúng ăn, thở, vận động và phát triển”. Một cách cơ bản nhất, đây chính là những gì mà học sinh có thể làm được sau khi học bài! Nếu muốn kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ nói rõ hơn cách để học sinh thực hiện được mục tiêu này (qua video, trò chơi hay thẻ flashcard, v.v..?)
- Nếu đang phải làm việc với những học sinh giỏi, chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu cơ bản kiểu như “Phát triển kỹ năng đọc hoặc viết”. Trường hợp này đòi hỏi bạn phải tập trung vào mục tiêu phát triển kỹ năng hoặc hình thành khái niệm. Bạn có thể xem lại một bài viết gần đây trên wikiHow để hiểu rõ hơn cách viết mục tiêu bài học.
Hiểu văn xuôi của Shakespeare từ một góc nhìn khác, chuẩn bị thi giữa kỳ |
2. Viết ra đại ý
Dùng bút nét lớn để gạch đầu dòng những ý tưởng lớn nhất cho bài học. Ví dụ, nếu bài học của bạn là về Hamlet của Shakespeare, thì đại ý phải bao quát được vị trí của Hamlet trong sự nghiệp Shakespeare; mức độ xác thực của các sự kiện lịch sử được miêu tả trong tác phẩm; và mối liên hệ giữa chủ đề khát vọng và do dự với hiện thực xã hội ngày nay.
- Điều này cũng còn tùy thuộc vào độ dài tiết học. Chúng ta có thể ước lượng khoảng tầm 6 bước cơ bản cho mỗi bài học, và tất cả 6 bước này phải được nói tới trong đại ý. Dĩ nhiên bạn có thể ước lượng nhiều bước hơn thế.
3. Lập biểu đồ thời gian
Nếu có quá nhiều nội dung phải dạy trong một khoảng thời gian cố định, hãy chia bản kế hoạch của bạn thành từng phân đoạn mà ở đó, ta có thể điều chỉnh tốc độ giảng dạy nhanh lên hay chậm đi, phòng khi có những nội dung/tình huống đột xuất xuất hiện. Chúng ta sẽ thử thực hành điều này trên một tiết học kéo dài 1 tiếng.
- 1:00 đến 1:10 (10p): Khởi động: Thiết lập sự tập trung của cả lớp và kết nối nội dung thảo luận hôm qua (về các bi kịch kinh điển) với vấn đề của hôm nay (vở kịch Hamlet).
- 1:10 đến 1:25 (15p): Trình chiếu thông tin: Tóm tắt sự nghiệp Shakespeare, tập trung vào giai đoạn 2 năm trước và sau Hamlet.
- 1:25 đến 1:40 (15p): Thực hành có hướng dẫn: Cả lớp thảo luận về chủ đề chính của vở kịch.
- 1:40 đến 1:55 (15p): Tự thực hành: Cả lớp viết những đoạn văn ngắn mô tả những sự kiện ngày nay theo văn phong Shakespeare. Đặc biệt, nên khuyến khích những học sinh khá viết 2 đoạn văn, và kèm cặp thật tỉ mỉ đối với những học sinh tiếp thu chậm hơn.
- 1:55 đến 2:00 (5p): Kêt luận: Thu lại bài làm của học sinh, giao bài tập về nhà, giải tán lớp học.
4. Thấu hiểu học sinh
Hãy nhận diện thật rõ đối tượng mà bạn đang có trách nhiệm giáo dục. Phong cách học tậpcủa chúng là gì (thiên về thị giác, thính giác, xúc giác hay kết hợp tất cả)? Những gì chúng đã biết rồi, chỗ nào còn chưa rõ? Trước tiên hãy hướng trọng tâm giáo án tới việc đáp ứng nhu cầu của tất cả các nhóm học sinh trong lớp, rồi sau đó mới thay đổi dần để phù hợp với những học sinh khiếm khuyết, những em gặp khó khăn trong việc tiếp thu hoặc không có động lực học, cũng như học sinh tài năng.
- Điều thách thức ở đây là bạn đang làm việc với một tập hợp hỗn độn những người hướng ngoại và hướng nội. Một số học sinh thể hiện ưu thế khi làm việc độc lập trong khi số còn lại sẽ phát triển tốt nếu được làm việc cặp/nhóm. Bạn phải hiểu rõ điều này để tạo ra các hoạt động tác động được lên từng nhóm sở trường khác nhau.
- Chưa dịch được.
5. Tạo mô hình học tập dựa trên sự tác động lẫn nhau giữa các học sinh khác nhau
Một số học sinh làm tốt khi được độc lập, số khác theo cặp, số khác theo nhóm lớn. Khi bạn để chúng tự tác động và xây dựng lẫn nhau cũng chính là lúc bạn đang làm công việc của mình. Tuy nhiên, vì mỗi học sinh đều khác biệt, nên hãy cố tạo điều kiện để tất cả các hình thức tác động có thể có đều được xảy ra. Học sinh của bạn (và tinh thần đoàn kết lớp) chắc chắn sẽ khá lên!
- Trên thực tế, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể được thiết kế thành các dạng khác nhau: làm độc lập, làm theo cặp và theo nhóm. Nếu ý tưởng của bạn đã được sơ đồ hóa chi tiết rồi thì hãy xem thử có cách nào sửa chữa nó để kết hợp thêm các dạng thức hoạt động khác không. Thường thì vấn đề chỉ nằm ở chỗ bạn có khéo léo chắp nối vấn đề hay không thôi.
6. Đặt bài dạy vào nhiều phong cách đa dạng
Chúng ta có những học sinh chẳng thể ngồi yên suốt một đoạn phim dài 25p, và chúng ta cũng có những học sinh đọc say sưa một đoạn trích dài 2 trang giấy mà chẳng phân tâm chút nào. Trong hai nhóm học sinh trên, chẳng có nhóm nào ngớ ngẩn hơn nhóm nào cả. Hãy giúp đỡ chúng bằng cách thay đổi hoạt động liên tục để tận dụng những khả năng khác nhau của các em.
- Mỗi học sinh học theo một cách khác nhau. Một số cần phải được nhìn thấy thông tin, một số cần nghe, và số khác cần được sờ nắm chúng theo đúng nghĩa đen. Nếu bạn đang dành một khoảng thời gian đáng kể để nói thì nên dừng ngay việc này lại đi, và, thay vào đó, để học sinh tự nói. Nếu chúng đang đọc, bạn thử đưa ra một hoạt động thực hành để kiến thức được đi vào thực tiễn sinh động. Khi ấy, học sinh cũng sẽ ít cảm thấy chán nản hơn.
Bước 2