Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Đội tuyển của cô Hà

Dĩ nhiên các con chẳng phải là của cô, của một mình cô rồi, nhưng cô vẫn thích gọi 10  (+2) thành viên của đội tuyển mình như vậy. Vì trong quãng thời gian rất ngắn ngủi vừa qua, tính từ khi thành lập đội tuyển, cô đã được ở bên các con khá nhiều.

Cô nhớ rất rõ quá trình cô tìm thấy các con giữa hơn 100 học sinh khối 9 mà cô giảng dạy. Những bài kiểm tra đầu tiên của các con được cô hào phóng cho điểm cao nhất trong khối, chỉ vì cô thấy bạn nào cũng chân thật, cá tính. Những bài viết ấy có thể chưa chuẩn mực, nhưng trong đó luôn có một cái gì đó khiến cho các con khác với số đông, không bị hòa lẫn. Cô nhớ Gia Hân với những phát biểu thẳng thắn tới mức đôi khi khiến cô cảm thấy tự ái, Quang Triết với những trang viết thỏ thẻ, nhẹ nhàng, đầy mơ mộng, Lan Anh với bài văn đong đầy tình yêu về xứ dừa Bình Định,... Mới đi dạy lần đầu, cô không đủ sức lực để truyền cho các con thật nhiều kinh nghiệm, công thức, khuôn mẫu làm bài, mà cũng không thật cần thiết. Cô chỉ có thể giúp các con bằng thái độ động viên hết mình trước mỗi một câu văn chân thật, một ý tưởng tự do của các con mà thôi.

Sự thật là các con đã thay đổi cô rất nhiều từ chính những điều các con viết. Không phải tự nhiên mà cô hay nhớ lại hồi mình bằng tuổi các con - một giai đoạn cực kỳ đặc biệt trong cuộc đời đi học của cô. Cô đã có một chút hổ thẹn vì vào thời điểm đó, mình đã không dám nói thẳng, nói tự do, không giàu ý tưởng và mơ mộng như các con. Cô quá trau chuốt câu chữ, rèn giũa cho nó thật giống của người lớn, mà bỏ lỡ biết bao nhiêu hồn nhiên. Cô cũng hay nghĩ vẩn vơ về những điều người ta nói với cô trước đây: "Học trò trong Nam học Văn chán lắm, nó thiếu hẳn cái chiều sâu của dân Bắc". Cô thấy nói vậy là hoàn toàn sai. Nếu học sinh "giỏi", "có chiều sâu" các thứ rồi, thì chúng còn cần thầy cô làm gì? Các con, mỗi người là một cá thể vô cùng kỳ lạ, đẹp đẽ, các con không cần phải cố gắng để có chiều sâu chiều nông gì hết cả. Các con chỉ cần cứ như bây giờ, "chân thật đến đáy", đọc nhiều sách, trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, biết suy nghĩ, biết buồn vui là được rồi. Rốt cuộc, dù sao cũng không thể lấy giáo viên là chuẩn mực để bắt học sinh cũng sống một cuộc đời như thế, nghĩ ngợi và nói năng như thế được. Các con có thế giới riêng mà những người như cô không hiểu và không bước vào được, chỉ có thể tôn trọng mà thôi.

Đội tuyển à, cô cũng nhớ cả sự cố gắng của các con qua từng bài viết. Hôm mình làm bài kiểm tra để chọn ra 10 người đi thi cấp Quận, các con đã có mặt đông đủ, ai cũng đầy lo âu. Các con hỏi cô rất kỹ từng bước làm bài. Khi chấm bài, cô có cảm giác, Khang đã dồn rất nhiều sự chú ý để viết một bài văn tương đối mạch lạc, cả chữ viết và cách diễn đạt của con trong bài viết đó cũng được cải thiện rất đáng kể. Còn Linh, con không còn là cô học trò nói cười tự do, lộ rõ vẻ cá tính, nghịch ngợm như buổi đầu cô biết nữa, con đã ngồi lại rất lâu để viết gần 3 trang giấy về lỗi lầm và sự biết ơn, trong đó có dẫn lại một chi tiết trong Những người khốn khổ mà cô rất thích. Đến tận lúc này, cô vẫn tin con thuộc vào tốp đầu của đội tuyển. Hải My, Gia Hân ban đầu không định vào đội tuyển, nhưng khi đã quyết định thì các con lại rất vững vàng, dồn nhiều niềm tin vào kỳ thi cấp Quận. Cô nhớ là vào giờ chót, khi đội tuyển dư ra một người và cô đến đặt vấn đề với hai bạn, thì cả Hải My và Gia Hân đều không hề muốn nhường chỗ của mình trong đội tuyển cho các bạn khác. Các con hiểu rất rõ đây là cơ hội của chính các con. Cô rất cảm động vì thái độ đó. Vậy mà ban đầu cô đã hiểu sai, cô cứ ngỡ các con chỉ muốn chơi đùa với cô và môn học này.

Chỉ ít tuần với đội tuyển, nhưng cô đã có rất nhiều cảm xúc khác nhau. Cô chắt lọc từng niềm vui nhỏ khi thỉnh thoảng, cứ sau tiết học là lại có bạn lên đăng ký vào đội tuyển Văn. Có lần, vì quá sung sướng, cô đã gọi điện cho gia đình ngay sau khi đi làm về để kể chuyện, rằng trên lớp có một học sinh cứ hỏi đi hỏi lại: "Cô ơi ĐT Văn ai dạy?". Khi được hỏi "Con thích ai dạy con?" thì học sinh ấy đã trả lời bằng cách chỉ tay vào cô. Nhưng thời gian qua, cũng có những ngày cô cảm thấy rất đau đầu, căng thẳng. Đó là hôm cô soạn chương trình học cho các con. Cô đã nghĩ mãi về những điều cô được học và chưa được học hồi trước, những điều cô thích, những điều khiến cô cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ. Cô muốn các con cũng cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ khi học Văn, và những điều hồi xưa cô Phải học, các con sẽ Không Cần học nữa. Cô chẳng kịp nghĩ gì về thành tích, chuẩn kiến thức, khung đề thi này nọ, vậy thôi mà cũng mất trọn một ngày để soạn chương trình dạy ĐT cho các con. Nhìn chương trình dạy học đầu tiên mình tự soạn thảo, cô thấy vui sướng lạ lùng. Cô nhìn thấy các con cũng có một chút vui mừng, háo hức. Nếu văn chương là một thứ thoải mái cỡ vậy, thì ai mà không yêu thích cho được.

Kỷ niệm căng thẳng thứ hai của cô là lần phải quyết định 10 bạn nào sẽ vào đội tuyển chính thức để đi thi cấp Quận. Cô không muốn gạch bỏ tên bất kỳ bạn nào ra khỏi danh sách, cô không muốn các con buồn vì quyết định của cô, dù quyết định ấy là như thế nào. Và cô thậm chí còn cầu mong các con cảm thấy coi thường cái kỳ thi dở hơi này một chút. Bởi vì đầu óc các con xứng đáng được tiếp nhận nhiều thứ phong phú hơn, chứ không phải chỉ là những bài văn bảnh chọe mang đi thi. Các con có thể không đi thi, không phải là học sinh giỏi, nhưng các con có thể đọc sách, trải nghiệm, vui chơi, làm những chuyện điên rồ khác của tuổi trẻ. Cứ đào mãi, đào mãi vào mấy cái đề thi đầy tính áp đặt kia, thì làm sao mà "có chiều sâu", "sâu sắc trong văn chương" hơn được? Tuổi trẻ không phải là để gục mặt vào sách vở. Thế nên cô đã cảm thấy rất tiếc nuối khi bao nhiêu năm tháng trước đây, cô đã quá đam mê những kỳ thi. Nó khiến cô già đi, nó khiến cô bị ảo tưởng, nó mang đến cho cô những hành trang giả dối rủng roẻng. Bấy nhiêu điều, cô muốn nói hết cho các con hiểu, nhưng lại không nói được. Các con mạnh mẽ hơn cô hồi xưa, nhưng cô biết, nghe tin mình không được vào đội tuyển, bạn nào cũng ít nhiều tiếc nuối.

Còn lại 10 bạn, các con có vẻ đã rất vui khi được đi học đội tuyển. Một phần vì các con chăm ngoan, một phần có lẽ là vì được ăn, được mặc đồ tự do, lại còn được chụp ảnh, nói chuyện nhiều hơn với các bạn lớp khác. Các con mới 14 tuổi, các con hồn nhiên như vậy đấy. Một số bạn như Tiên, Lan Anh, Triết, Khang hay Phúc thì lại khiến cô cảm thấy các con yêu môn Văn rất nhiều. Cô thấy may mắn khi có tất cả các con, những học trò thật đặc biệt, và dù công việc bồi dưỡng ĐT là quá nặng nề và áp lực với một giáo viên mới ra trường, cô vẫn nhận và cố sức. Nhiều khi, nhìn các con, cô chỉ muốn lao đến bên bàn soạn bài ngay. Cô muốn chuẩn bị thật kỹ để mang đến cho các con một điều gì đó thật vui vẻ, bổ ích, tốt đẹp. Các con đã làm nên sức mạnh trong cô như vậy đấy.

Hôm đưa các con đi thi cấp Quận, nhìn mấy đứa học sinh của mình ngơ ngác giữa một ngôi trường lạ cùng bao bạn bè lạ, cô thấy thương các con nhiều quá. Các con biết rằng ở bên ngoài, mọi thứ chẳng còn giống như khi mình ở "nhà" mình là LSTS nữa, nhưng các con đâu hình dung được những tính toán của người lớn. Các con chẳng hiểu được đâu. Ở trường nhìn bạn nào cũng rạng rỡ, xinh đẹp, tự tin, vậy mà lúc ra ngoài, cô lại thấy các con biết bao là bé bỏng. Các con kể với cô rằng học sinh trường mình hay bị chê là "con nhà giàu, chảnh chọe", và các con cảm thấy bối rối vì điều đó. Cô nhớ Gia Hân đã nhìn ra phía cô mãi lúc con đã vào phòng thi rồi, thế nên cô đã cố gắng tìm một chỗ ngồi có thể khiến con dễ trông thấy cô nhất. Nhưng rồi cô nhận ra, sự có mặt của cô không giúp cho các con làm bài tốt hơn, thậm chí còn gây mất tập trung, làm giám thị để ý, nên cô đi ra. Tới cổng trường, lòng cô nặng trĩu.

Hôm nay, cô nhận được kết quả kỳ thi vừa rồi. Chỉ 1/10 bạn được vào vòng trong. Cô không biết nên cảm thấy chúng ta may mắn hay xui xẻo nữa. Có quá nhiều điều cô muốn nói với các con, từng bạn một, để các con nhanh chóng quên đi kỳ thi này vào ngày mai. Nhưng rồi cô im lặng. Vì cô chợt nhớ ra là các con đâu có yếu ớt như cô hồi nào. Các con đều là những bạn học sinh rất cá tính, thẳng thắn, nên không thể dễ dàng xuống tinh thần vì mấy chuyện xoàng xĩnh này được. Tình cảm yêu thương và lời nhắn cho các con, cô đành gửi hết vào bài viết nhỏ này. Cô mong đội tuyển của cô Hà sẽ mãi như các con bây giờ: không nghe theo khuôn mẫu, không biết nói dối. Các con sẽ dành những ngày tháng phía trước để đọc nhiều hơn, chơi nhiều hơn, làm nhiều chuyện giật gân hơn để làm đầy tuổi trẻ của chính mình. 

Cô luôn ở bên các con!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét