Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Một số tips đặt câu hỏi hay trong dạy học


Tip #1: Câu hỏi nhắm tới những mức cao trong thang nhận thức

Bạn đã biết về 6 mức độ nhận thức theo thang phân loại của Bloom. Sau đây là 6 câu hỏi theo mức độ từ thấp đến cao để bạn thấy sự khác biệt của những câu hỏi nằm ở mức cao: 
1 - mức Nhớ: Em hãy nêu khái niệm từ ghép
2 - mức Hiểu: Hãy giải thích vì sao lòe loẹt là từ láy?
3 - mức Áp dụng: Đoán xem điều gì sẽ xảy ra nếu ta không tuân thủ phương châm hội thoại số 2?
4- mức Phân tích: Ý nghĩa của cuốn sách này là gì?
5 - mức Đánh giá: Giải pháp nhiên liệu thay thế nào là khả thi nhất?
6 - mức Sáng tạo: Hãy xây dựng bộ câu hỏi để test trí thông minh của một người.
Tip #2: Đánh thức những điều riêng tư và cá nhân
Câu chuyện có gợi cho em về ký ức nào của bản thân không?
Có nhân vật nào trong cuốn truyện này giống em không?
Kể cả X. là một người không được tác giả ủng hộ, nhưng em có tìm thấy điểm chung nào giữa mình với nhân vật?
Nếu em là Kiều, em sẽ làm gì trong tình huống đó?
Ngoài đời em từng gặp ai giống nhân vật Y. chưa?
Tip #3: Hỏi đúng trọng tâm, chỉ đích xác một ý cốt lõi nào đó
Tác giả muốn nói điều gì qua câu chuyện?
Trong 3 nhân vật, ai là quan trọng nhất?
Nhân vật phụ X. có thể thiếu được không?
Vai trò của anh ta?Điều gì khiến em ngạc nhiên nhất trong bài?
Điều gì khiến em thay đổi nhiều nhất sau khi đọc xong câu chuyện?
Nhan đề đã thật phù hợp với tác phẩm?
Tip #4: Kéo tác giả vào cuộc
Nếu bây giờ Nguyễn Tuân tới đây, em sẽ hỏi ông ta câu gì?
Có điều gì quái lạ, kỳ quặc trong truyện không?
Tại sao tác giả lại viết như vậy?
Em nghĩ vì lý do gì mà tác giả viết tác phẩm này?
Tip #5: Trao quyền cho HS, khơi gợi ý thức cá nhân, làm chủ
Hãy phản đối tác giả ở một điểm nào đó?
Nếu em là nhân vật?
Viết lại đoạn kết
Thay đổi một phần tùy ý trong tác phẩm

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

[Phần 3] Các bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Hãy luôn chuẩn bị kỹ càng
(Nguồn: Wikihow)



1. NẾU ĐANG LO LẮNG, HÃY LÊN KỊCH BẢN CHO BUỔI HỌC


Giáo viên mới sẽ cảm thấy bớt lo lắng khi viết sẵn kịch bản cho buổi học. Dù việc soạn kịch bản này có thể mất nhiều thời gian hơn cả soạn giáo án, nhưng nó sẽ khiến bạn xóa tan nỗi lo lắng khi bạn đã biết được chính xác mình sẽ nói những câu gì trong buổi học.
·         Trong quá trình đi dạy, hãy làm việc này ít dần, ít dần đi. Bởi vì theo thời gian, bạn sẽ có khả năng đi vào bài dạy ngay mà không cần luyện tập trước. Bạn sẽ không cần phải soạn sẵn kịch bản nữa. Việc này chỉ nên thực hiện như một cách tự huấn luyện vào thời gian đầu đi dạy.


2. CHO PHÉP BẢN THÂN LINH HOẠT VỚI KỊCH BẢN

Bạn đã soạn kỹ kịch bản thậm chí tới từng phút? Tuyệt vời! Nhưng hãy nhớ rằng kịch bản thật sự cũng chỉ để tham khảo thôi. Bạn chẳng thể nói: “Các con! 1 phút 15 giây rồi đấy, dừng lại ngay lập tức!”. Đó không phải là cách làm của một giáo viên. Đừng cố gắng bám sát kịch bản, hãy chừa cho bản thân những chỗ trống linh hoạt.
·                     Nếu quá tải về mặt thời gian, hãy biết đâu là chỗ được phép và không được phép lướt nhanh. Phần nào bạn buộc phải dạy trọn vẹn để học sinh hiểu? Phần nào chỉ là trưng trổ và giết thời gian? Mặt khác – nếu bạn dư thời gian, hãy “thủ” sẵn một vài hoạt động dự phòng để dùng khi cần thiết.
                                        

3. LUÔN DỰ PHÒNG THỜI GIAN


Ý thức rằng ta luôn có quá nhiều thứ để làm thì tốt hơn là nghĩ rằng ta có rất ít việc, rảnh rang. Kể cả đã lên kế hoạch chi tiết thì vẫn hãy chừa những khoảng thời gian dự phòng. Nếu một việc mất khoảng 20 phút, hãy nói với học sinh là chúng chỉ được phép làm trong 15 phút. Bởi vì bạn chẳng biết những gì sẽ nảy sinh trong 15 phút đó đâu!
·         Cách dễ nhất là kết thúc bài dạy bằng trò chơi hoặc một cuộc thảo luận. Cho HS ngồi lại thành nhóm và thảo luận quan điểm của HS về một vấn đề nào đó hoặc trả lời 1 câu hỏi.
                                           

4. SOẠN BÀI SAO CHO NGƯỜI DẠY THAY CÓ THỂ HIỂU ĐƯỢC


Khi phải nghỉ đột xuất, bạn sẽ muốn giáo án của mình thật dễ hiểu với người dạy thay để bạn không cần giải thích gì thêm. Hoặc trong trường hợp bạn soạn bài từ lâu trước khi dạy, một giáo án cụ thể sẽ giúp bạn hiểu được mình nghĩ gì ở thời điểm đó.
·         Có rất nhiều mẫu giáo án online bạn có thể sử dụng. Hoặc bạn có thể tham khảo mẫu giáo án của đồng nghiệp. Hãy kiên định, nhất quán với một mẫu giáo án, điều đó giúp não làm việc hiệu quả hơn.    

5. KẾ HOẠCH DỰ PHÒNG


Trong nghề nghiệp, có những lúc học sinh của bạn sẽ tiếp thu bài quá nhanh và dễ dàng khiến cho bạn ngạc nhiên, không biết làm gì vì dường như mọi thứ bạn chuẩn bị đều dư thừa. Cũng có những ngày sau kỳ thi, hoặc chỉ có nửa lớp đi học, hoặc một video bạn chuẩn bị đột nhiên hỏng, hãy có kế hoạch dự phòng.
·                     Hầu hết giáo viên kỳ cựu đều có rất nhiều bài dạy dự phòng để sử dụng bất cứ lúc nào. Nếu bạn từng có một bài dạy, bài báo, bài thuyết trình thành công lúc nào đó, hãy giữ chúng như chất liệu cho dạy học sau này. Khi có cơ hội, bạn có thể thay vì dạy học bình thường, thì dành một buổi nói cho học sinh về một chủ đề bạn hứng thú với những chất liệu sẵn có đó. Đó cũng là dạy học. Tùy theo lớp học bạn dạy, có thể nói với chúng về tiến hóa, chọn lọc tự nhiên, gen, hay nhạc pop, v.v..