Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

[Phần 2] 3 bước soạn bài hiệu quả (Ngọc Hà dịch)

Nguồn: http://www.wikihow.com/Make-a-Lesson-Plan

Bước 2: Dàn dựng buổi học



1. KHỞI ĐỘNG (HÂM NÓNG)

Lý do là: vào lúc bắt đầu tiết học, não bộ học sinh thường chưa tập trung ngay được. Lấy ví dụ về phẫu thuật tim. Nếu một người lập tức đi vào giải thích cách làm (chúng ta có lẽ đều sẽ bắt đầu như vậy cả), thì nào, chậm lại một chút và nói về con dao mổ cái đã. Hãy bắt đầu một cách dễ dàng như thế. Đó là mục đích của khởi động: không phải đo lường kiến thức học sinh, mà là đưa chúng vào đúng đường ray giáo viên mong muốn.
  •  Hoạt động cho phần khởi động có thể chỉ là một trò chơi đơn giản (chẳng hạn hỏi các từ vựng theo chủ điểm để kiểm tra học sinh hiểu bài tới đâu, nhớ được gì). Cũng có thể hỏi một câu bất kỳ, tổ chức chơi trò mingle, hoặc nói chuyện về một tấm hình. Dù là gì chăng nữa, hãy để học sinh nói. Để chúng được nghĩ ngợi về chủ đề bài học (kể cả khi bạn không nói ra chủ đề ấy một cách rõ ràng).

2. TRÌNH CHIẾU THÔNG TIN

Vấn đề chỉ là làm sao cung cấp thông tin một cách rõ ràng, thẳng thắn nhất thôi, đúng vậy chứ? Dù bạn thiết kế bài dạy theo cách nào thì cũng hãy bắt đầu bằng việc trình chiếu thông tin trước. Đó là một đoạn phim, một bài hát, đoạn văn, hoặc một khái niệm. Và đó phải là một nội dung hết sức cốt lõi của toàn bài.
  • Dựa vào khả năng học sinh, bạn chọn xem mình sẽ nói những ý chính nào. Hãy nghĩ xem mình phải quay ngược trở lại bao xa để giải thích những nội dung cốt lõi đó. Ví dụ, câu “Anh ấy đặt áo choàng trên giá” sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không biết “áo choàng” và “giá” có nghĩa là gì. Hãy đưa cho học sinh những khái niệm cực kì đơn giản và để phần tiếp theo của bài học củng cố cho khái niệm đó.
  • Cũng khá là hữu ích nếu nói thẳng ra luôn với học sinh là chúng sắp học gì. Tức là cho chúng biết mục tiêu bài học. Không thể có gì rõ ràng hơn cách này. Học sinh sẽ biết trước là chúng sẽ thu được gì sau hôm nay.
                                        

3. LUYỆN TẬP CÓ HƯỚNG DẪN

Giờ thì học sinh nắm được các thông tin cần thiết rồi, cho nên bạn sẽ nghĩ ra một hoạt động nào đó để chúng được thực hành. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn mới mẻ nên hãy bắt đầu bằng một hoạt động có trợ giúpLập bảng, nối hai cột, hoặc nhận diện hình ảnh. Một ví dụ: chúng ta rõ ràng không thể nào học viết một đoạn văn trước khi học điền vào chỗ trống. Học sinh cũng vậy!
  • Nếu đủ thời gian để tiến hành 2 hoạt động thì sẽ tốt hơn. Ý tưởng này rất hữu hiệu khi ta muốn kiểm tra hiểu biết của học sinh trên hai mức độ khác nhau – chẳng hạn như viết và nói (hai kĩ năng riêng biệt). Cố gắng kết hợp nhiều hoạt động đa dạng cho những học sinh có khuynh hướng khác nhau.
                                           

4. KIỂM TRA THÀNH QUẢ LÀM VIỆC, ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG

Sau khi luyện tập có hướng dẫn, hãy đánh giá học sinh. Chúng có tỏ ra hiểu những gì giáo viên trình chiếu trước đó? Nếu có thì tốt. Bạn có thể tiếp tục, giải thích thêm những yếu tố hóc búa hơn trong khái niệm ban đầu hoặc cho học sinh luyện tập những kĩ năng khó hơn. Còn nếu học sinh chưa hiểu, hãy quay lại khái niệm. Tự đặt câu hỏi: Làm thế nào để cung cấp khái niệm theo một cách khác đây?
  • Dạy một thời gian, chắc chắn bạn biết những học sinh tiếp thu kém. Hãy ghép cặp chúng với các học sinh khá để lớp tiến bộ. Không ai muốn để những học sinh cá biệt bị bỏ lại phía sau, nhưng chúng ta cũng chẳng muốn cả lớp phải dừng lại đến khi ai nấy đều đã hiểu bài rồi mới học tiếp.
                               

5. HOẠT ĐỘNG TỰ DO

Đến đây thì học sinh đã có căn bản, nên để cho chúng tự luyện tập. Nhưng đừng nghĩ là bạn có thể ra khỏi phòng! Điều này chỉ có nghĩa là học sinh cần cố gắng sáng tạo hơn nữa để bản thân chiếm lĩnh được thông tin giáo viên cung cấp. Vậy làm sao để tâm trí học sinh tự do rộng mở?
  • Tất cả tùy thuộc vào nội dung bài học và kĩ năng bạn muốn kích thích ở học sinh. Có thể tổ chức bất cứ cái gì theo ý bạn: ví dụ như một dự án làm con rối trong vòng 20 phút, hoặc một dự án khác kéo dài 2 tuần với chủ đề bao trùm là cuộc tranh luận nảy lửa về thuyết tiên nghiệm.
                                       

6. DÀNH THỜI GIAN CHO NHỮNG CÂU HỎI

Nếu lớp học dư dả thời gian để gói trọn vấn đề, hãy dành 10 phút cuối cho những câu hỏi. Có thể bắt đầu bằng một cuộc thảo luận và chuyển tới những thắc mắc sâu hơn nhằm khám phá bản chất vấn đề. Hoặc đây có thể là thời gian để bạn nói lại vấn đề một cách rõ ràng, đơn giản và sáng sủa hơn. Cả hai cách này đều có ích cho học sinh.
  • Nếu có một nhóm học sinh không bao giờ chịu giơ tay, hãy để chúng làm việc luân phiên với nhau. Chẳng hạn đưa cho chúng một khía cạnh của chủ đề rồi yêu cầu thảo luận 5 phút để phản biện. Sau đó mang vấn đề chính trong cuộc thảo luận đó trước lớp cho các nhóm khác tiếp tục thảo luận. Những chi tiết thú vị chắc chắn sẽ sinh ra từ đây!
                                     

6. KẾT THÚC VẤN ĐỀ CỤ THỂ


Theo một nghĩa nào đó, một bài học giống một cuộc trò chuyện. Nếu chỉ đơn thuần dừng nó lại, dường như có gì đó vẫn còn lơ lửng. Cách làm này không sai, nhưng để lại cảm giác lấn cấn, không thoải mái. Nếu còn thời gian thì hãy cố gắng tổng kết bài học trước học sinh và trình bày rõ ràng, cụ thể nhất những gì học sinh vừa học được.
  • Dành 5 phút để nhắc lại khái niệm chính của bài học. Đặt câu hỏi kiểm tra kiến thức (đừng đưa thêm thông tin mới) để tóm tắt lại những gì cả cô và trò vừa làm được, thu được trong buổi học. Và công việc của bạn sẽ kết thúc trong sự trọn vẹn, chắc chắn.


    (Còn nữa)

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét